221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1094630
Tại sao Iran không nhượng bộ về vấn đề hạt nhân?
1
Article
null
Tại sao Iran không nhượng bộ về vấn đề hạt nhân?
,
Khi giới chức Mỹ kêu gọi người Iran chống lại các lãnh đạo Tehran, họ muốn ám chỉ rằng sự "cứng đầu cứng cổ" của Chính phủ Iran trong vấn đề hạt nhân chỉ phản ánh quan điểm cực đoan của những nhà cầm quyền không đại diện cho cách mạng.

Rõ ràng là các quan chức Mỹ chưa tiếp xúc với Tiến sĩ Akbar Etemad, người từng chịu trách nhiệm quản lý chương trình hạt nhân cho chính quyền Shah - chính quyền bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979.

Chính phủ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân. (Ảnh: Kiiitv)

Ông Etemad là người đầu tiên khởi xướng chương trình công nghệ hạt nhân của Iran dưới chính quyền được Mỹ hậu thuẫn vào năm 1974. Tuy nhiên, nhà khoa học này hiện vẫn lên tiếng kêu gọi Chính phủ đã tước đoạt công việc của ông trong nước, bác bỏ yêu cầu ngưng làm giàu uranium của quốc tế.

Phát biểu tại một hội nghị khoa học ở Toronto hồi tuần trước, Tiến sĩ Etemad cho biết: "Iran đã từng tạm dừng làm giàu hạt nhân theo đề nghị của châu Âu trong hơn một năm (trong khoảng từ cuối năm 2003 tới giữa năm 2005 để đàm phán với Liên minh châu Âu). Và điều gì đã xảy ra? Không gì cả".

Giải pháp cho tranh chấp

Hôm 5/8, Iran đã trao cho các quan chức EU tại Brussels câu trả lời về đề xuất hạt nhân mới nhất của phương Tây. Trong bức thư hồi đáp, Tehran được cho là đã tránh đề cập tới việc tạm ngưng làm giàu uranium. Anh, Pháp và Mỹ từng nhấn mạnh hậu quả của việc Iran khước từ đề xuất của các cường quốc sẽ là sự thúc ép Liên hợp quốc áp dụng thêm những lệnh cấm vận đối với nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Time, Tiến sĩ Etemad, nhà khoa học được đào tạo ở Thụy Sỹ, cho rằng giải pháp cho tranh cãi về vấn đề hạt nhân Iran phụ thuộc vào việc tái lập quan hệ giữa Washington và Tehran. Ông Etemad hiện sống tại Paris và lãnh đạo một nhóm những người Iran lưu vong nổi tiếng, đang vận động hành lang nhằm tránh một cuộc tấn công quân sự nhắm vào quê hương của họ.

Mặc dù một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ gần đây đã tham gia phái đoàn do EU dẫn đầu, gặp gỡ các quan chức Iran nhưng câu trả lời của Tehran trước đề xuất hạt nhân mới nhất của phương Tây có thể gây khó khăn cho chính quyền Bush trong việc tạo ra một cơ hội ngoại giao.

Người ta có thể ngạc nhiên khi nghe thấy một thành viên trong chính quyền bị lật đổ Shah lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tehran trong cuộc đối đầu với phương Tây. Thực tế, các chuyên gia Iran ngày càng lo ngại rằng chiến lược hiện tại của phương Tây (đòi Iran từ bỏ quyền làm giàu uranium) đã dẫn tới thế bế tắc ngoại giao.

Trong một bài viết đăng tải trên trang International Herald Tribune hồi tuần trước, Trita Parsi - Chủ tịch Hội đồng người Mỹ gốc Iran, và nhà phân tích Anatol Lieven nhận định việc khăng khăng đòi Iran từ bỏ quyền làm giàu uranium là không có cơ sở.

Thay vào đó, hai ông đề xuất các cường quốc phương Tây nên đề ra các yêu cầu của họ căn cứ vào những quyền và giới hạn của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Theo họ, điều này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế thẩm tra hoạt động làm giàu uranium cũng như các khả năng hạt nhân khác có liên quan đến việc chế tạo vũ khí của Iran.

Tiến sĩ Etemad cũng nhất trí rằng hiệp ước NPT, văn bản quy định việc theo đuổi năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình dưới sự giám sát của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), giữ vai trò chủ đạo. "Đối với người Mỹ, khi cần hiệp ước NPT, họ sẽ thảo luận về nó. Còn khi không cần, họ sẽ ném bỏ nó. Bạn sẽ không làm được điều đó với một hiệp ước quốc tế", ông Etemad nói.

Iran là một nước đã kí kết hiệp ước NPT. Trên cơ sở đó, nước này có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các vấn đề minh bạch hạt nhân. Tuy nhiên, hiệp ước NPT còn trao cho các nước kí kết quyền được làm giàu uranium, dưới sự giám sát của IAEA, vì những mục đích hòa bình.

Hoài nghi

Mỹ và các đồng minh hiện lo sợ ngay cả việc theo đuổi hoạt động hạt nhân với mục đích hòa bình cũng sẽ cho phép Iran lén lút chế tạo vũ khí hủy diệt. Các nước này biện luận rằng những vi phạm của Tehran đối với các quy định minh bạch và công khai của hiệp ước NPT cũng đồng nghĩa với việc người Iran đã đánh mất quyền được làm giàu uranium.

Các cơ sở hạt nhân của Iran (Ảnh: news.filefront.com)

Dẫu vậy, cho tới hiện tại, Liên hợp quốc và IAEA vẫn chưa chấp nhận lý lẽ trên. IAEA thậm chí đưa ra báo cáo khẳng định "không có bằng chứng về việc Iran đang tích cực sản xuất vũ khí hạt nhân".

Mặc dù các hoạt động làm giàu uranium đã biết của Iran diễn ra dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các thanh sát viên IAEA nhưng Mỹ, Israel và các đồng minh châu Âu vẫn nghi ngờ nước này đang theo đuổi âm mưu chế tạo vũ khí nguyên tử. Cáo buộc này đã khiến Tiến sĩ Etemad phẫn nộ.

Ông Etemad khẳng định: "Với chính quyền Shah, chúng tôi cũng đi tới kết luận rằng Iran rất cần năng lượng hạt nhân do dân số trong nước ngày càng tăng trong khi nguồn dầu mỏ và khí đốt của chúng tôi sẽ cạn kiệt. Đó là lí do tại sao ngay cả khi tôi thuộc chính quyền cũ, tôi cũng cần phải công bằng với chính quyền mới vì họ có cùng quan điểm. Nói một cách thẳng thắn, bằng hành động hiếu chiến, phương Tây đang đẩy Tehran vào thế phải chế tạo vũ khí hạt nhân dù hiện họ không muốn".

Đề xuất mới nhất từ các cường quốc phương Tây hy vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc thông qua việc rút lại yêu cầu Iran phải chấm dứt hoạt động làm giàu uranium như một điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Thay vào đó, đề xuất mới chỉ yêu cầu Iran tạm ngưng mở rộng chương trình hạt nhân hiện tại trong vòng 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, Hội đồng bảo an sẽ chưa áp dụng những biện pháp trừng phạt mới chống Tehran và hai bên sẽ thương thuyết về một thỏa thuận toàn diện hơn.

Dẫu vậy, hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tehran đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất đó.

Không nhượng bộ

Hiện chắc chắn có nhiều người Iran vẫn đang lo ngại về hậu quả từ sự tiếp tục chống đối của Tehran. Bahram, 24 tuổi, một thợ cơ khí ban ngày kiêm tài xế taxi ban đêm, bộc bạch: "Nếu quan điểm cứng rắn này đồng nghĩa với chiến tranh thì sao?". Phát biểu của anh Bahram được cho là đại diện cho những lo ngại của vô số dân thường Iran.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Etemad quả quyết: "Người châu Âu nói ngưng làm giàu uranium, rồi chúng ta sẽ đàm phán. Nhưng người Iran đã từng làm điều đó và không có gì xảy ra cả. Thời chính quyền Shah, chúng tôi đã kí các thỏa thuận với cả Pháp và Đức nhưng ngay cả lúc đó chúng cũng không giúp ích được gì.

Nếu tôi ở vào vị trí của những nhà cầm quyền đương nhiệm (ở Iran), tôi cũng sẽ không tin tưởng phương Tây. Họ thậm chí đã không trao cho Iran những bộ phận của máy bay dân sự thì tại sao người Iran nên tin là cần phải giao nộp cho họ uranium đã tinh chế?".

"Suốt nhiều năm qua, họ (Mỹ và các đồng minh phương Tây) đã đe dọa tấn công chúng tôi. Đó là một sự lăng mạ. Chúng tôi không phải là những con kiến", Tiến sĩ Etemad nói, ám chỉ tới một cuộc phỏng vấn Đô đốc Mỹ William Fallon về Iran của tờ Esquire hồi tháng 3. Tại buổi phỏng vấn này, ông Fallon được cho là đã tuyên bố: "Các gã đó là những con kiến. Khi thời cơ tới, các bạn sẽ nghiền nát chúng".

Nhà khoa học Iran cho rằng: "Nếu bạn yếu, họ sẽ tấn công bạn và ngược lại. Chúng tôi phải là một nước hùng mạnh và chấm dứt những đe dọa mang tính xúc phạm. Và hùng mạnh cũng có nghĩa không tuân theo những kẻ ngoại bang".

  • Thanh Bình (Theo Time)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;