Các quan chức Mỹ nói hôm 5/8 rằng không thể chấp nhận được phản ứng của Iran trước đề xuất ngừng chương trình hạt nhân mà sáu cường quốc đưa ra.
Hôm 5/8, Iran đã trao một bức thư cho đại diện của 6 cường quốc là ông Javier Solana - người phụ trách đối ngoại của EU - nhằm đáp lại một đề xuất mà 6 cường quốc đưa ra hồi tháng 6 rằng họ sẽ không tăng cường trừng phạt Iran nếu nước này ngừng mở rộng chương trình làm giàu uranium.
Tổng thống Iran
Tuy nhiên, bức thư hôm 5/8 không đưa ra câu trả lời cụ thể đối với đề xuất nói trên - một động thái mà Mỹ nói là đồng nghĩa với ’’sự đen tối’’ và có thể dẫn tới một lệnh trừng phạt mới của LHQ. Thay vào đó, trong bức thư Iran chỉ hứa hẹn sẽ có một ’’phản ứng rõ ràng’’ vào một ngày tháng không xác định.
’’Iran sẵn sàng đưa ra một phản ứng rõ ràng đối với đề xuất của các ngài vào thời điểm sớm nhất đồng thời mong đợi nhận được phản ứng rõ ràng của các ngài về những câu hỏi của chúng tôi. Việc làm đó có thể mở đường cho một tiến trình đàm phán nhanh và minh bạch, với một triển vọng tươi sáng’’, trích nội dung thư.
’’Đó là sự đen tối và trì hoãn. Đó không phải là phản ứng mà cộng đồng quốc tế mong đợi’’, một quan chức Mỹ giấu tên nhận xét. Một quan chức khác nói rằng bức thư này chẳng là gì cả và Tehran không đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết bế tắc hiện nay.
Phát ngôn viên Gonzalo Gallegos của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về ’’các biện pháp tăng cường’’ trừng phạt Iran và nói rằng Mỹ sẽ họp bàn với các quan chức Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức và Anh vào ngày 6/8 để quyết định sẽ phản ứng thế nào với Iran.
Các cường quốc này lo ngại Tehran muốn chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Iran - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới - quả quyết chỉ tìm kiếm công nghệ hạt nhân để sản xuất điện năng. Tehran đã từ chối ngừng chương trình hạt nhân, buộc Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt ba lệnh trừng phạt kể từ năm 2006 tới nay. Mỹ cũng áp đặt các lệnh cấm vận của riêng nước này đối với Iran. Các nhà ngoại giao cho rằng Hội đồng Bảo an sẽ khó thông qua lệnh trừng phạt thứ tư do sự lưỡng lự của Nga, Trung Quốc và Đức.
-
Minh Sơn (theo Reuters)