Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, nói rằng chiến thắng trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan sẽ không kết thúc ’’cuộc chiến dài’’ chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Cuộc chiến chống al-Qaeda cùng các nhóm khủng bố khác sẽ là ưu tiên quân sự hàng đầu của Mỹ trong những thập kỷ tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (phải)
Chú trọng chống chủ nghĩa cực đoan
Quan điểm trên được phản ánh trong tài liệu Chiến lược quốc phòng mới mà ông Gates thông qua hồi tháng trước mặc dù chưa được công khai. Chiến lược này là đỉnh cao của công việc của ông Gates kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào cuối năm 2006.
Tài liệu phản ánh quan điểm của ông rằng Mỹ phải sử dụng cả sức mạnh quân sự lẫn ’’quyền lực mềm’’ để đánh bại một loại kẻ thù phức tạp, xuyên quốc gia. Chiến lược kêu gọi quân đội phải giỏi tiến hành các cuộc chiến ’’đặc biệt’’ chứ không nên tập trung vào các cuộc chiến tranh bình thường với các quốc gia khác.
’’Ưu thế của Mỹ trong chiến tranh bình thường đã bị thách thức song vẫn ổn định trong trung hạn căn cứ vào các xu hướng hiện nay. Chúng ta sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho việc tăng cường khả năng giải quyết các thách thức khác, đồng thời xem xét những lĩnh vực có nguy cơ lớn hơn’’, trích tài liệu.
’’Iraq và Afghanistan vẫn là các mặt trận trung tâm trong cuộc chiến song chúng ta không thể phớt lờ những dấu hiệu của một cuộc xung đột dài hạn, nhiều mặt trận mà phức tạp và đa dạng hơn cả Chiến tranh lạnh.
Thành công ở Iraq và Afghanistan có vai trò quan trọng để chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến này song chỉ có thành công đó sẽ không mang lại chiến thắng’’, theo tài liệu dài 23 trang của ông Gates.
Ông Gates đã sử dụng thuật ngữ ’’cuộc chiến dài’’ mà người tiền nhiệm Donald Rumsfeld đã dùng để ví cuộc chiến chống khủng bố với Chiến tranh lạnh và cuộc chiến chống phát xít.
Tuy nhiên, chiến lược của Gates khác với Rumsfeld ở chỗ trong khi Rumsfeld tập trung vào các hành động quân sự phủ đầu, chiến lược của ông Gates khuyến khích các lãnh đạo Mỹ hiện tại và tương lai hợp tác với các quốc gia khác để xóa bỏ các điều kiện dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố.
’’Sử dụng vũ lực đóng một vai trò quan trọng song các nỗ lực quân sự bắt giữ hoặc tiêu diệt bọn khủng bố chắc không quan trọng bằng các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các chính phủ và các chương trình kinh tế để tạo ra sự phát triển, cũng như các nỗ lực tìm hiểu và giải quyết những bất mãn - trung tâm của các cuộc nổi dậy.
Vì những lý do này, bộ phận quân sự quan trọng nhất của cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan bạo lực không phải là hành động chiến tranh mà chúng ta tự làm, mà là cách chúng ta giúp các đối tác tự vệ và tự trị’’.
Ông Gates liệt Iran và Triều Tiên là mối đe dọa đối với ’’trật tự quốc tế’’ và đáng để Mỹ phải lo ngại. Chiến lược của ông cũng cảnh báo về những mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc và Nga, hối thúc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác với hai nước này trong khi kiềm chế khả năng quân sự ngày càng mạnh của họ.
Ông Gates cũng cho rằng Ấn Độ là một đồng minh mà ông hy vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống quốc tế, tương xứng với sức mạnh kinh tế, quân sự và quyền lực mềm ngày càng tăng của nước này.
Bất thường
Thật bất thường khi một Bộ trưởng Quốc phòng lại đưa ra chiến lược quân sự toàn diện quá muộn, trong bối cảnh chính quyền hiện nay sắp mãn nhiệm. Ông Gates viết rằng ông coi tài liệu này là ’’một kế hoạch hành động dẫn tới thành công’’ cho chính quyền tương lai.
Michele Flournoy, Chủ tịch Trung tâm an ninh mới của Mỹ, nói rằng bà ngạc nhiên khi thấy ông Gates đưa ra một chiến lược như vậy, gần sát ngày bầu cử Tổng thống. Bà gọi đó là ’’một chiến lược sẽ bị các sự kiện khác làm lu mờ’’, bởi một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền mới là viết một kế hoạch phòng thủ như vậy.
Theo bà, tài liệu nhấn mạnh chiến tranh đặc biệt, tập trung vào những kẻ khủng bố và các chế độ thù địch quyết tâm sử dụng nổi dậy hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt, song tài liệu này có thể đi quá xa.
’’Tôi nghĩ chiến tranh đặc biệt là rất quan trọng, song không nên là trọng điểm duy nhất của chúng ta’’, bà Flournoy nói, nói thêm rằng các nước như Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho chiến tranh ’’hiện đại’’ và các cuộc tấn công liên quan tới công nghệ chống vệ tinh.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa chính thức công bố Chiến lược quốc phòng mới này - chiến lược vạch ra một kế hoạch chung để Lầu Năm góc đối phó với những đe dọa lớn và lần cuối cùng được ban hành năm 2005.
Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng nói rằng chiến lược của ông Gates đã vấp phải sự phản kháng của các tham mưu trưởng liên quân do chiến lược tập trung vào chiến tranh đặc biệt. Họ lo ngại việc phớt lờ công tác chuẩn bị cho chiến tranh thông thường có thể mang lại lợi thế cho các kẻ thù trong những khu vực quan trọng, chẳng hạn như trên bầu trời hoặc trong không gian.
James Jay Carafano, một chuyên gia quân sự tại Viện Heritage Foundation cho rằng chiến lược này quá thiên về chống chủ nghĩa cực đoan. ’’Tôi nghĩ chiến lược này không giúp ích bởi bạn đang hy sinh mọi thứ cho một cuộc chiến. Đây là một chiến lược giao thời.’’, ông nói.
-
Minh Sơn (theo Washington Post)