Giá dầu thế giới liên tục lập những đỉnh cao mới, và mặc dù vài ngày nay có biểu hiện hạ nhiệt, xong vẫn ở mức "ngất ngưởng" chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Chính phủ và người dân ở hàng loạt các quốc gia đang nỗ lực tìm cách đối phó với giá dầu leo thang.
Người dân Mỹ đã lựa chọn tàu điện ngầm, xe lửa thay vì đi xe hơi riêng trong bối cảnh giá dầu tăng cao (Ảnh Wordpress) |
Giá dầu làm thay đổi lối sống Mỹ
Người dân ở cường quốc này đã thay đổi lối sống vì giá dầu, từ việc đi mua sắm tạp phẩm, tới những cửa hàng giảm giá, sử dụng đồ xa xỉ, đi tới công sở...
Giá dầu tăng cao khiến ngày càng nhiều người Mỹ thích ở nhà hơn là ra đường. Cục Quản lý giao thông liên bang cho hay, trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, người Mỹ đã đi lại ít hơn hàng chục tỉ km. Ba công ty ô tô lớn gồm GM, Ford Motor Co., và Chrysler - hiện đã thông báo cắt giảm việc sản xuất xe tải cỡ lớn và xe SUV - loại xe vốn được người Mỹ ưa chuộng.
Câu chuyện hàng ngày của những người dân Mỹ giờ chủ điểm là việc phải hủy bỏ nhiều kỳ nghỉ gia đình vì giá xăng dầu lên cao, những người phụ nữ trung tuổi thậm chí còn thường bàn nhau cách tiết kiệm chi phí, giảm đầu tư vào việc làm đẹp như nhuộm tóc, làm móng tay. Khắp nơi ở Mỹ, người ta đều "khổ" khi giá dầu tăng tới 24% bắt đầu từ năm ngoái. Đến cả Tổng thống Mỹ Bush trong một chuyến thăm Ảrập Xêút đã phải cố gắng thuyết phục nước này tăng sản lượng dầu.
Các giải pháp được nói tới ở mọi góc phố, mọi trụ sở làm việc, từ những nghị sĩ Dân chủ muốn đánh thuế vào các công ty xăng dầu, đến người dân muốn chính phủ liên bang mở kho dự trữ chiến lược...
Đầu tháng này, nhà sản xuất ô tô Chrysler LLC tuyên bố sẽ đưa ra cho khách hàng chính sách bảo hộ giá xăng nhằm giúp họ đối phó với giá dầu nếu tiếp tục tăng cao. Chương trình mang tên "Chúng tôi tiếp nhiên liệu" dùng cho khách hàng đăng ký mua xe Chrysler, Jeep và Dodge, họ sẽ có một tấm thẻ mua xăng giá 2,99 USD/gallon, nhà sản xuất ô tô chịu trách nhiệm gánh phần chi phí thêm trong vòng ba năm.
Người dân New York giờ đây đều suy nghĩ "trên một lần" trước bất kể thứ gì liên quan tới xăng dầu. Mọi thói quen đi lại đã thay đổi. Số người sử dụng xe lửa, tàu điện ngầm lên mức kỷ lục.
Tại trụ sở Google ở California, công ty cung cấp dịch vụ xe buýt miễn phí cho nhân viên, với các lộ trình hợp lý căn cứ theo địa chỉ nhân viên.
Mọi giải pháp sáng tạo được áp dụng để tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả nhất. Ở Maplewood, N.J., xe tải được điều động để đưa những người dân gần nhà nhau tới ga xe lửa. Sáng kiến này đã làm giảm bớt sức ép về chỗ đỗ xe giảm lưu lượng xe lưu thông trên đường.
Hàn Quốc hạn chế xe công lưu thông
Nhằm đối phó với giá dầu leo thang, Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch hạn chế giao thông theo phương pháp chẵn - lẻ, dựa theo số giấy phép lái xe và ngày tháng trên lịch để giảm bớt lượng xe công chức lưu thông trên đường.
Thủ tướng Hàn Quốc, Han Seung-soo, cho hay 30% xe công sẽ dần không xuất hiện trên đường phố, 50% khác - tương ứng với 15.000 xe - sẽ được thay thế bởi các loại xe nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn
Cách làm này của Hàn Quốc nhằm nhắc nhở mọi người tránh làm tổn thương nền kinh tế đất nước từ việc giá dầu tăng cao. Chính sách của Hàn Quốc chủ yếu nhắm tới các mục tiêu con số. "Chẵn - lẻ", "30%", cả hai đều rất cụ thể và tiện lợi cho người dân theo dõi, giám sát, đồng thời tạo tính linh hoạt cao cho việc điều hành hoạt động.
Nhằm tiết kiệm năng lượng, Hàn Quốc còn yêu cầu tăng nhiệt độ trung bình tại các tòa nhà chính phủ và điều tiết sử dụng điện tại các cơ quan nhà nước. Các biện pháp này sẽ góp phần giảm tiêu thụ năng lượng 6,6% ở khu vực nhà nước. Thủ tướng Hàn Quốc khẳng định, các biện pháp khắt khe hơn sẽ được tiến hành nếu giá dầu tăng hơn nữa.
Nước này cũng đã thành lập một quỹ 10 tỷ USD để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ do giá dầu tăng cao.
Trung Quốc bỏ xe lớn đi xe nhỏ
Xe đạp lên ngôi trong bão giá dầu (Ảnh ski-epic)
Chuyện nghiện xe hơi của người dân Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi khi giá xăng dầu đang ở mức cao đỉnh điểm trên toàn cầu. Thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới này cũng là nơi tiêu dùng nhiên liệu lớn thứ hai thế giới.
Tăng trưởng trong tiêu thụ xe hơi lớn - vốn là biểu tượng của thế hệ tầng lớp trung lưu phát triển - có thể bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng có xu thế hướng tới các loại xe hơi nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn hay thậm chí sử dụng công nghệ mới hơn như hybrid.
Nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang từng bước phát triển mô hình xe hơi xanh. Những đại gia địa phương như SAIC Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ hơn cho nguồn lực công nghệ để đạt tới thành công này.
Vào 23/6, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu dừng một nửa số xe công lưu thông trên đường trước kỳ Olympic, với nỗ lực làm sạch không khí cho Thế vận hội và tiết kiệm năng lượng.
Từ ngày 20/7, một quy định khác có hiệu lực trong đó yêu cầu các xe trên đường chỉ hoạt động theo ngày lẻ hoặc chẵn, tùy thuộc vào số xe đăng ký trên giấy phép. Các xe lưu thông trên đường sẽ theo ngày luân phiên, tùy thuộc vào số xe đăng ký. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/7 - 20/9. Thêm vào đó, 300.000 xe gây ô nhiễm nặng như xe tải công nghiệp dùng lâu năm (thường hoạt động ban đêm) đã bị cấm từ 1/7.
Còn người dân Thủ đô Bắc Kinh thì đã tìm ra những cách đi lại mới. Một số người đi chung xe với đồng nghiệp, những người khác thì dùng xe đạp hay di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đứng chờ ở một điểm "chia sẻ xe" ở phía tây Bắc Kinh, bạn có thể được đi xe miễn phí với một trong số những người hàng xóm. Đi chung ô tô vẫn là một điều mới mẻ trong thành phố, nhưng với người dân ở khu vực này, việc đi xe của người khác đã trở thành điều bình thường. Một người chủ xe cho hay, anh thích đi chung xe với người khác vì tin rằng, việc này sẽ làm giảm lượng xe lưu thông trên đường, và kết quả là khiến việc đi lại được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Trẻ em tỏ ra thích thú với kiểu "xài xe chung". Các em tìm được nhiều người bạn mới sống gần nhà nhưng có thể không cùng trường học. Cha mẹ các em thì vừa tham gia bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Một số chủ xe còn tìm kiếm đối tác đi chung trên mạng. Có những người đơn giản là không đi ô tô lúc này. Ông Giang, một người dân ở Bắc Kinh cho hay, ông sẽ đi xe đạp kể cả khi thế vận hội kết thúc, vừa góp phần cải thiện môi trường Olympic, vừa luyện tập sức khỏe. Doanh thu của các cửa hàng xe đạp tăng gần gấp đôi trong ít ngày qua. Họ phải mở cửa tới tối.
Một số người thì lựa chọn dùng nhiều phương tiện đi lại khác nhau, như đi xe buýt hay tàu điện ngầm trước khi leo lên một chiếc xe đạp thuê tới điểm cần đến.
Châu Âu: Thời của xe đạp
Khi giá dầu liên tục thiết lập đỉnh cao mới, và một số nhà phân tích còn dự báo sẽ đạt mức 200 USD/thùng, không có gì đáng ngạc nhiên khi xe đạp trở thành phương tiện giao thông phổ biến.
"Ngày nay, dùng xe hơi quá đắt đỏ. Giá dầu ở mức cao’’, Fabian Kuster, một phát ngôn viên của Hiệp hội Xe đạp châu Âu tại Brussels, nói. ’’Trong khoảng cách ngắn, xe đạp còn nhanh hơn các phương tiện khác’’.
Paris, Barcelona và nhiều thành phố khác tại châu Âu đã giới thiệu chương trình cho mượn xe đạp, cho phép những người đi làm bằng vé tháng được chọn một chiếc xe phía ngoài ga xe lửa, tàu điện. Tất cả yêu cầu cần thiết là một tấm thẻ tín dụng để đảm bảo chiếc xe đạp sẽ trở về.
Người đi xe đạp khi trả xe, sẽ chỉ bị trừ một khoản không đáng kể. Ước tính có khoảng 20.000 xe đạp tại 1.450 điểm đỗ riêng ở Paris.
Hàng loạt xe đạp được lắp ráp trên sàn nhà máy của Giant Manufacturing, một trong những nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, sẽ sớm xuất hiện trên mọi đường phố từ Seattle đến Sydney, Amsterdam và cả Bắc Kinh.
Giá xăng dầu tăng cao, nhận thức ngày một nâng cao vì các vấn đề môi trường và sự phổ biến của việc đi xe đạp như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe đã khiến nhu cầu dùng xe đạp tăng vọt trên phạm vi toàn thế giới.
Giant, nhà sản xuất xe đạp có trụ sở tại Đài Bắc với các thương hiệu quốc tế như Boulder, Yukon và Iguana, đang vào mùa gặt hái lợi nhuận. Công ty này đã sản xuất 5,5 triệu chiếc xe năm 2007, và hy vọng sẽ đạt 1 tỉ USD doanh thu trong năm nay, tăng 10%.
Câu chuyện của Giant là chuyện điển hình trong ngành công nghiệp xe đạp trị giá 61 tỉ USD toàn cầu, với mức tăng trưởng không ngờ khi đi xe đạp trở thành môn thể thao chính rèn luyện sức khỏe và cũng là chọn lựa phong cách ở hầu hết các quốc gia phương Tây.
"Có sự phục hưng và thú vị mới với xe đạp’’, Jack Oortwijn, biên tập tạp chí Bike Europe nói. "Các nhà cung cấp linh kiện đang cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu’’.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách địa cầu, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất xe đạp mỗi năm (khoảng 73 triệu chiếc trong tổng số 100 triệu chiếc). Số còn lại đến từ Đài Loan, Canada, Nga, Ukraine và EU. Đài Loan sản xuất chừng 6 triệu chiếc/năm và bán giá trung bình trong nước là 222 USD/chiếc.
Tiêu thụ xe đạp trong năm năm qua đã tăng vọt tại các quốc gia châu Âu (tăng 14,6%) - chiếm 70% tổng lượng tiêu thụ của thế giới (theo Bike Europe). Tại Mỹ, con số này là 9%.
-
Kỳ Thư (tổng hợp)