Chính phủ Iraq đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ rút lực lượng chiến đấu vào năm 2010. Đây là một mốc thời gian rõ ràng hơn sau khi hai nước nhất trí về cái gọi là "phạm vi thời gian".
Ông Obama trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (Ảnh: THX)
Phát ngôn viên Chính phủ Iraq, Ali al-Dabbagh, đưa ra tuyên bố trên giữa lúc ứng viên đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du tại đây.
Sau khi Obama gặp gỡ Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, ông Dabbagh nói, Iraq không đưa ra lịch trình cụ thể, nhưng hy vọng quân đội Mỹ sẽ kết thúc vai trò chiến đấu của mình và rút khỏi Iraq năm 2010. Lãnh đạo Iraq, ông Maliki, đã nói với Thượng nghị sĩ Illinois rằng, Iraq đã thành công trong nỗ lực vượt qua khó khăn và các thách thức về an ninh, đồng thời có thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố al-Qaida và các nhóm chiến binh khác, nước này dần dần cũng có tiến bộ về kinh tế. Về phần mình, ông Obama cho hay, ông tin Chính phủ Iraq sẽ có thể thành công trong việc thông qua một hiến pháp vì lợi ích của người dân Iraq trên phương diện kinh tế.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Iraq, Jalal Talabani, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ đã hoan nghênh tiến triển chính trị của Iraq, bao gồm cả việc đưa các đảng phái Sunni trở lại Chính phủ.
Hôm qua (21/7), ông Obama đã tới thăm Iraq từ Kuwait sau khi có chuyến công du đến Afghanistan - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Trung Đông và châu Âu. Trước đó, ông Obama đã cam kết sẽ rút quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng 16 tháng nếu thắng cử và điều động thêm nhiều quân tới Afghanistan - nơi tình hình an ninh đang ngày một tồi tệ.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phản đối đưa ra lịch trình cụ thể để rút quân. Trong một cuộc họp qua video tuần trước, ông Bush và ông Maliki đã nhất trí về một "phạm vi thời gian" để giảm bớt sự hiện diện của quân Mỹ tại Iraq. Trước khi đến Baghdad, Obama đã tới thăm thành phố Basra, phía nam Iraq. Tại Iraq, người dân địa phương có những quan điểm khác nhau về Tổng thống tương lai của nước Mỹ. "Tôi thực sự chẳng quan tâm ai sẽ là Tổng thống Mỹ, vì tôi nghĩ chính sách của chính quyền Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng từ một người", Dhiyaa al-Hadithy, một bác sĩ 38 tuổi nói. "Tuy nhiên, nếu cần phải đưa ra chọn lựa, tôi thích Obama hơn vì ông ủng hộ việc rút quân Mỹ khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, ông ấy là con trai của một người Kenya, rất có thể ông ấy cảm nhận được sự khốn khổ của chúng tôi nhờ nền tảng văn hóa của mình". Còn Abdul-Hussein al-Kaaby, luật sư 47 tuổi thì lại ủng hộ đối thủ của Obama là Thượng nghị sĩ John McCain đến từ đảng Cộng hòa. "Tôi tin là McCain sẽ có quyết định hợp lý hơn về chính sách của Mỹ ở Iraq. Người đàn ông này rất thực tế, họ không thể rút toàn bộ quân khi lực lượng an ninh của chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ lớn từ khủng bố", Abdul nhấn mạnh. "Chúng tôi đang phải đối mặt với khủng bố đến từ trong khu vực và thế giới, vì thế chúng tôi vẫn cần những cường quốc hỗ trợ chúng tôi, và McCain cũng như đảng Cộng hòa là người hợp lý cung cấp sự hỗ trợ ấy". Kỳ Thư (Theo Tân Hoa xã)
Ông Obama trong buổi hội đàm với Tổng thống Iraq; Ông Obama cùng chỉ huy quân đội Mỹ trên đường tới Baghdad (Ảnh: AP, THX)