Nga và Trung Quốc, hôm qua (21/7), đã ký một nghị định thư giải quyết cuộc tranh chấp nhiều năm về lãnh thổ dọc biên giới giữa hai nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Kiết Trì sau khi ký hiệp ước biên giới tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Thỏa thuận này - được ký bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Kiết Trì tại Bắc Kinh - đã chấm dứt những tranh cãi kéo dài hơn 40 năm qua. Giới phân tích xem đó là dấu hiệu mới nhất trong quan hệ đang ấm dần lên giữa Nga - một nhà xuất khẩu năng lượng lớn và Trung Quốc - một nước tiêu thụ năng lượng khổng lồ.
Biên giới giữa Trung Quốc và Nga dài 4.300 km và nghị định thư mới này giải quyết tranh chấp phần biên giới phía đông. Theo báo chí Trung Quốc, Nga sẽ trao trả cho nước này toàn bộ đảo Ngân Long (Tarabarov trong tiếng Nga) và một nửa đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriyasky).
Nghị định thư được ký vào ngày đầu tiên trong chuyến thăm 2 ngày của Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ông Lavrov cũng gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) trong một cuộc gặp ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 21/7. (Ảnh: Reuters)
Đầu tháng này, một quan chức an ninh cấp cao của Nga đã tuyên bố rằng Moscow sẽ thôi kiểm soát đảo Tarabarov và khoảng một nửa đảo Bolshoi Ussuriysky nằm ở điểm giao của sông Amur và sông Ussuri, theo một thỏa thuận song phương năm 2004.
Thỏa thuận năm 2004 được hai bên nhất trí sau khi Trung Quốc đồng ý từ bỏ chủ quyền đối với các đảo gần thành phố Khabarovsk của Nga.
Hai đảo được Nga trả lại cho Trung Quốc - do Nga kiểm soát từ năm 1912 - là nơi diễn ra một số cuộc đụng độ biên giới giữa hai cường quốc này trong những năm 1960.
Nga và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận biên giới trong năm 1991 và 1994, phân định các khu vực biên giới phía tây và đông. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa giải quyết được tranh chấp đối với một số khu vực nhỏ hơn.
- Thanh Hảo (Theo BBC, RIA Novosti)