Một quan chức Sứ quán Mỹ ở Baghdad cho biết, ứng viên Tổng thống Barack Obama, hôm nay (21/7), đặt chân tới thủ đô Iraq, nơi ông sẽ gặp gỡ các chỉ huy và binh sĩ đang thực hiện một cuộc chiến mà Thượng nghị sĩ bang Illinois phản đối từ lâu.
Obama được cho là sẽ gặp Tướng Mỹ David Petraeus cùng Thủ tướng Iraq, Nouri al-Maliki. Tuy nhiên, các trợ tá của ông chỉ cung cấp rất ít chi tiết về sự kiện này, viện dẫn các lý do an ninh.
Thượng nghị sĩ bang Illinois, Barack Obama, từ lâu đã phản đối cuộc chiến Iraq. (Ảnh: AFP) |
Ông Obama đến Iraq với tư cách là thành viên của một đoàn đại biểu quốc hội gồm cả các Thượng nghị sĩ Jack Reed và Chuck Hagel.
Baghdad là chặng dừng chân tiếp theo của ứng viên Tổng thống này sau Kuwait và Afghanistan. Hôm 20/7 tại Kuwait City, phái đoàn Mỹ đã gặp Tiểu vương Kuwait, ông Sheik Sabah Al Ahmed Al Sabah, và các quan chức cấp cao khác của nước chủ nhà.
Cả ba thượng nghị sĩ này đều là những người chỉ trích sự tham chiến của Mỹ tại Iraq. Ông Obama kêu gọi rút quân đội Mỹ với tỷ lệ 2 đến 3 lữ đoàn mỗi tháng, và chấm dứt hoạt động chiến đấu trong vòng 16 tháng.
Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ nói rằng, ông chỉ muốn để một lực lượng nhỏ ở đất nước Vùng Vịnh với nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các quan chức Mỹ, đào tạo người Iraq và ngăn chặn các cuộc tấn công của al-Qaeda.
Phái đoàn trên đến Baghdad giữa thời điểm tranh cãi đang nổ ra xung quanh những bình luận của Thủ tướng Iraq al-Maliki đăng tải trên một tạp chí Đức được xem là ủng hộ lịch trình rút quân trong 16 tháng của ông Obama.
Các trợ tá của nhà lãnh đạo Iraq nói những lời đó đã bị hiểu sai và ông Maliki không đứng về phía ứng viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ông Obama đã có chuyến công du nước ngoài chưa đầy 4 tháng trước khi bầu cử ở Mỹ diễn ra. Đây là lần thứ hai ông tới Iraq nhưng tình hình hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm chính trị gia này thăm Baghdad hồi tháng 1/2006.
Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích sự phản đối của đối thủ Obama về cuộc chiến Iraq, viện dẫn quyết định rút quân sẽ căn cứ vào tình hình, chứ không phải lên một thời gian biểu. Ứng viên Tổng thống đại diện cho Đảng Cộng hòa ủng hộ cuộc chiến và luôn lên tiếng ủng hộ quyết định tăng viện quân tới đất nước Vùng Vịnh.
Cố vấn chính sách đối ngoại của McCain, Randy Scheunemann, nói rằng Obama "đang ngoan cố ủng hộ một quyết định rút quân vô điều kiện vốn đặt chính trị lên trên sự tham vấn của các chỉ huy quân đội, sự thành công của binh lính Mỹ và an ninh của người dân Mỹ".
Các chỉ huy Mỹ đã bắt đầu rút một số quân bổ sung và Obama biện hộ rằng họ nên được điều tới Afghanistan, nơi ông miêu tả là "mặt trận trung tâm" trong cuộc chiến chống khủng bố, để củng cố các nỗ lực chống Taliban và kiểm soát tình trạng bạo lực đang leo thang.
McCain cũng ủng hộ việc tăng cường quân tới Afghanistan.
"Ngày càng có nhiều người nhất trí rằng đã đến lúc chúng ta phải rút một phần binh sĩ chiến đấu ra khỏi Iraq, triển khai họ tới Afghanistan và tôi nghĩ chúng ta phải nắm bắt cơ hội này. Giờ là lúc chúng ta phải làm như vậy", ông Obama nói khi trả lời phỏng vấn của hãng tin CBS News hôm 20/7 sau cuộc gặp kéo dài 2 giờ với Tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai.
Ông Obama lấy Afghanistan làm ví dụ điển hình cho chiến lược giải quyết các mối đe dọa khủng bố ở Mỹ. Thượng nghị sĩ Illinois nói cuộc chiến ở Afghanistan - nơi Taliban và các tay súng liên quan tới al-Qaeda đang hồi sinh - xứng đáng được bổ sung quân và nhận được nhiều quan tâm hơn so với xung đột tại Iraq.
Các quan chức quân sự Mỹ cho hay, số lượng các cuộc tấn công ở miền đông Afghanistan, nơi hầu hết các binh sĩ ngoại quốc là người Mỹ, tăng 40% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thanh Hảo (Theo AP, AFP)