Gia đình và bạn bè Obama đều nói Thượng nghị sĩ và người cha (người Kenya) của ông có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng duy tâm, có khả năng hùng biện, hấp dẫn người đối diện và nhiều tham vọng. Nhưng cũng có rất nhiều khác biệt giữa hai cha con, thậm chí Obama còn đối ngược với cha.
Hai cha con Thượng nghị sĩ Obama
Giống và khác
Trong một chuyến viếng thăm đầy cảm xúc ở quê cha năm 2006, Thượng nghị sĩ Barack Obama đã dành thời gian để đoàn tụ gia đình và có những chuyến thăm chính thức "làm phiền" Chính phủ Kenya.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, một Obama thực hiện nhiệm vụ "gây khó chịu" tại Kenya. 40 năm trước, một ngôi sao đang lên mang tên Barack Obama - cao, thanh lịch, trang phục hoàn hảo - đã "khuấy đảo" Chính phủ thời hậu độc lập ở Kenya khi buộc tội nhiều vị lãnh đạo đã phản bội lại lý tưởng của họ.
"Đó dường như là điều thường thấy trong gia đình tôi", Said Obama, em trai Barack Obama Sr. mỉm cười nói.
Mặc dù cuộc sống của hai cha con Obama dường như cách biệt hoàn toàn khi chỉ có một vài bức thư trao đổi qua lại và một chuyến thăm Hawaii vào năm 1971, lúc cậu bé Obama mới 10 tuổi, nhưng gia đình và bạn bè Obama luôn nhìn thấy sự tương đồng giữa hai người đàn ông nhất là về uy tín và khả năng hùng biện.
Cả hai đều gặt hái thành công khi tuổi còn trẻ, đều chủ trương theo đuổi sự thay đổi, và đều thể hiện sự tự tin cao mà nhiều người cho rằng, nó gần sát tới tính tự phụ.
"Người cha hoạt bát, sôi nổi, kiêu ngạo nhưng không gây khó chịu", Philip Ochieng, một nhà báo Kenya kỳ cựu cũng là bạn thân của Obama Sr. cho biết. "Nhưng ở rất nhiều phương diện, cậu con trai lại hoàn toàn khác biệt. Obama trẻ tự chủ, điềm tĩnh và kiểm soát được tham vọng".
Cha của Obama là một thanh niên Kenya đầy hứa hẹn, lớn lên từ một ngôi làng với những bãi cỏ nuôi dê và từng theo học tại Harvard. Ông thường tự giới thiệu mình là "Tiến sĩ Obama" mặc dù không có tài liệu nào ghi chép ông đã hoàn thành học vị tiến sĩ. Ông thường uống rượu mạnh, và gọi bia là "đồ uống trẻ con".
Ông được nhớ đến với khả năng chơi kèn baritone vốn thu hút rất nhiều phụ nữ. Một trong những người phụ nữ ấy là Ann Dunham, người gặp ông khi cả hai cùng học trường Đại học Hawaii năm 1959. Họ kết hôn rồi chia tay nhau ít năm, sau khi Obama Sr giành được học bổng tại Harvard. Ông li dị vợ để mình Dunham chăm sóc cậu con trai Barack Jr.
Thượng nghị sĩ Obama thường nói về tác động của việc người cha sớm từ bỏ con. Đầu tiên, ông nói, điều đó đẩy ông vào một sự mong chờ đến hoang đường. Sau đó, khi hiểu hơn về cuộc sống bất ổn của cha, ông nói, ông luôn cố gắng bù đắp cho gia đình những khuyết thiếu của Obama Sr.
"Cha tôi là một người tài năng", Obama nói với nhà viết tiểu sử David Mendell. "Nhưng trong rất nhiều phương diện, cuộc sống của ông ấy là một mớ hỗn độn".
Mặc dù tham vọng và tài năng, nhưng sự nghiệp của Obama Sr sớm đứt gánh giữa áp lực bên ngoài và đời tư trắc trở (ông còn nghiện rượu). Vụ tai nạn ôtô năm 1982 đã cướp đi sinh mạng người cha của Obama.
Bạn bè và gia đình Obama cho rằng, sự nghiệp của Obama Sr sớm kết thúc vì tính cách "ngang bướng" và tính duy tâm. Ông là người tin rằng, một người có những ý tưởng tốt nhất và thông minh nhất sẽ luôn dẫn đầu. Đối mặt với thực tế tham nhũng và những điều tiêu cực trong Chính phủ Kenya bấy giờ, ông rơi vào cảnh vỡ mộng rồi thất vọng nặng nề.
"Trong chừng mực nào đó, ông ấy là người ngây thơ", Peter Aringo, một người bạn của Obama Sr cho biết. "Ông ấy nghĩ có thể chống lại hệ thống này từ bên ngoài, rằng ông có thể ngăn chặn mọi tiêu cực". Và trên thực tế, ý nghĩ ấy đã nhấn chìm ông.
Những tấm hình gia đình (ở giữa là Obama Sr) treo tại nhà bà của Thượng nghị sĩ Obama
Ký ức người cha
Từ khi còn nhỏ, Obama Sr đã sống trong một gia đình danh tiếng, đáng tự hào. Cha ông là một tù trưởng danh giá, người đầu tiên học tiếng Anh và tiếp nhận âu phục. Sau những thành tích học tập vượt trội ở trường, Obama Sr. tới Nairobi, và lọt vào mắt xanh của Tom Mboya, một trong những người sáng lập của Kenya.
Mboya chọn Obama và 80 học sinh khác gửi tới các trường đại học ở Mỹ năm 1959, chuẩn bị cho sự độc lập của Kenya năm 1963. Trong số này có Wangari Maathai, người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel hòa bình.
"Đó là khoảng thời gian tuyệt vời", vợ góa của Mboya nhớ lại. "Chúng tôi tới Mỹ để học tập, rồi có thể trở lại, tiếp quản sự nghiệp lãnh đạo đất nước. Đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm". Ở Hawaii, Obama quen và kết hôn với Dunham, người thiếu nữ con một trong một gia đình Kansas có quan điểm tiến bộ. Con trai họ chào đời ngày 4/8/1961.
Obama Sr. rời Dunham và con trai Barack Jr. sau khi giành được học bổng ở Harvard. Các thành viên trong gia đình nói rằng, Obama Sr. không có khả năng đem gia đình mới theo, nhưng nhiều người lại nghĩ, ông không thể bỏ qua cơ hội được tham gia một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.
Hơn nữa, Obama lại nói với Dunham rằng, ông không bao giờ li dị người vợ đầu tiên của mình tại Kenya, người đang nuôi hai đứa con. Obama Sr và Dunham chia tay nhau năm 1964.
Tại Harvard, ông bắt đầu một mối quan hệ khác với Ruth Nidesand, sau này theo ông đến Kenya. Bạn bè ông nói rằng, quan hệ của Obama với những người phụ nữ là sản phẩm của thời đại và văn hóa của ông. "Ở Mỹ, nó có thể là điều gây sốc, nhưng ở châu Phi, điều này chẳng có gì bất bình thường", cựu Ngoại trưởng Ugandan, Olara Otunnu, người biết Obama Sr. vào cuối những năm 1970, nói.
Trong một bài phát biểu tại Nairobi năm 2006, Thượng nghị sĩ Obama cho rằng, cha ông không thể hòa giải gốc rễ châu Phi của mình với những lý tưởng phương Tây mà ông ngưỡng mộ. "Ông ấy quan hệ với phụ nữ như cha của ông từng làm, với hy vọng họ sẽ phục tùng bất kể điều gì ông làm", Thượng nghị sĩ Obama nói về cha như vậy.
Tại Harvard, Obama Sr. nhanh chóng có được bằng thạc sĩ kinh tế. Ông cũng trở thành khách hàng quen thuộc trong các quán bar ở Cambridge, Mass. Gần 30 năm sau, con trai ông trở thành vị Chủ tịch người Mỹ gốc phi đầu tiên của Tạp chí Harvard Law Review.
Obama Sr trở lại Kenya đầy hy vọng và mong chờ, nhưng hàng loạt vấn đề đã phát sinh trong Chính phủ của Tổng thống Jomo Kenyatta. Với những người Kenya theo học ở Mỹ suốt những năm 1960, trở về nhà là đối mặt với muôn vàn khó khăn. Obama Sr., với công việc là một nhà kinh tế học của Chính phủ, đã không thể kiên nhẫn với những quan điểm chính trị, ngoại giao. Ông thường mẫu thuẫn với cấp trên.
Một lần, một quan chức Chính phủ tự hào tuyên bố tuyến đường quốc lộ do Chính phủ xây dựng đã hoàn thành, Obama Sr lập tức ngắt lời rằng, ông đã tới khu vực này và chẳng có việc gì bắt đầu cả. "Ông không hề sợ hãi", Otunnu nói. Ở Học viện báo chí, Obama đã phản bác lại các chính sách của Chính phủ với những bài tiểu luận sôi nổi.
Chính phủ Kenya bấy giờ coi ông là một kẻ phá rối. Mboya, người thầy và người bạn của Obama bị ám sát năm 1969. Chứng nghiện rượu của Obama Sr đã làm sự nghiệp và cuộc sống gia đình ngày một căng thẳng. Ông lại li dị vợ đầu những năm 1970. Obama Sr thường xuyên gặp tai nạn ôtô vì liên quan tới rượu, thậm chí năm 1965 còn đâm chết một hành khách.
Các vụ tai nạn cũng làm suy giảm danh tiếng của Obama. "Vì ông được đào tạo tốt, mọi người xem ông như một ông vua, và bây giờ, họ lại bàn tán về thái độ, cách hành xử của ông", một người bạn của Obama Sr kể lại.
Năm 1971, Obama Sr tới Hawaii thăm con trai. Trong ký ức của mình, Thượng nghị sĩ mô tả đó là chuyến thăm khá căng thẳng. Cha ông dạy ông những điệu nhảy châu Phi, gây ấn tượng với các bạn học và cãi nhau với mẹ ông về cách giáo dục con cái.
Obama Sr trở về Kenya đầy lòng tự hào và nói với bạn bè muốn mang con trai về nước. Nhưng sự nghiệp của ông tiếp tục xuống dốc không phanh. "Ông ấy luôn cảm thấy toàn bộ hệ thống tham nhũng", Aringo kể lại. "Ông ấy thường nói ’tôi không thể đứng yên, phải đi uống gì đó’’.
Bạn bè bắt đầu giữ khoảng cách với Obama Sr. Walgio Orwa, một giáo sư tại Đại học Great Lakes ở Kisumu, nói, khi gặp lại Obama Sr vào những năm 1970, ông đã không thể nhận ra. "Trước đây, ông ấy là hình mẫu của tất cả mọi người", Orwa cho biết. "Với một giọng nói to, ấm áp, tât cả chúng tôi đều muốn được như ông ấy. Sau này, ai cũng hỏi, chuyện gì đã xảy ra".
Ngày 24/11/1982, Obama Sr lái xe và gặp tai nạn trên đường. Ông ra đi khi ở tuổi 46 - cùng độ tuổi với cậu con trai khi trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ với tư cách là ứng viên của đảng Dân chủ.
-
Kỳ Thư (Theo LAtimes)