Chuyến công du của Barack Obama tới Trung Đông và châu Âu, sẽ đánh dấu màn trình diễn đầu tiên của ứng viên Tổng thống Mỹ này trên trường quốc tế.
Và đây cũng là một sự kiện rất được thế giới quan tâm vì nó sẽ nói lên phần nào chính sách đối ngoại Mỹ nếu ông thắng cử.
Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ - Barack Obama
"Thử thách đang đợi Obama và nếu ông thể hiện tốt thì phần thưởng sẽ là ưu thế vượt trội với đối thủ", Lee Hamilton, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson, nhận định.
Quả vậy, với ưu thế đang có phần nhỉnh hơn đối thủ John McCain, thì ông Obama sẽ tạo được thêm một khoảng cách vượt trội khó có thể san bằng nếu thể hiện được tài năng đối ngoại của mình trong chuyến xuất ngoại đầu tiên tới những vùng chiến lược đối với lợi ích của nước Mỹ.
Lịch trình chuyến đi sẽ trải dài một loạt các nước từ Jordan, Israel, Đức, Pháp và Anh. Obama cũng có thể ghé thăm Iraq và Afghanistan song lịch trình chưa được xác định.
Ông Obama sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo các nước trên, phát biểu trước công chúng và viếng thăm các địa điểm lịch sử.
TIN LIÊN QUAN
Đó chính là cơ hội để ông có thể gửi thông điệp tới các đồng minh, đối tác rằng ông sẽ hành động thế nào một khi đắc cử Tổng thống.
Chuyến công du này có ý nghĩa với thế giới là như vậy, nhưng nó còn quan trọng hơn đối với bản thân ông Obama. Bởi, nếu như kinh tế đang là ưu thế của Obama thì đối ngoại lại bị coi là điểm yếu của ông, bởi ông chưa có nhiều kinh nghiệm như đối thủ của mình. Và đây sẽ là kinh nghiệm đáng kể đầu tiên.
Do vậy, nếu thành công, ưu thế của ông sẽ gia tăng gần như ở mọi phương diện, và con đường tới Nhà Trắng sẽ còn rộng mở hơn nữa.
Tuy vậy, cũng không thể kỳ vọng sẽ có những "sáng tạo đột phá" trong các cuộc gặp gỡ sắp tới, bởi giới phân tích cho rằng, ông Obama sẽ thận trọng để không đánh mất những gì mình đang có, hơn là táo bạo để đặt cược vào những gì mình có thể mơ được.
Dù ông Obama có thận trọng hay táo bạo, thì chắc chắn, vấn đề Iraq và quan điểm của Tổng thống Mỹ tương lai sẽ rất được quan tâm trong chuyến đi này.
Quan điểm thì đã rõ, quan trọng là khâu "ứng xử" mặt đối mặt với các nhà lãnh đạo các nước sắp tới. Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Barack Obama, đã nhiều lần tuyên bố nếu trúng cử, mục tiêu hàng đầu của ông sẽ là nhanh chóng rút quân đội Mỹ khỏi Iraq.
Obama nói rằng, nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ dẫn dắt nước Mỹ đi theo một hướng khác với hiện nay và ưu tiên hàng đầu sẽ là chống lại Taliban và al-Qaeda, vốn đang phát triển mạnh mẽ ở Pakistan.
Obama chỉ trích chính sách tập trung quân đội ở Iraq của Tổng thống Mỹ, cho rằng điều này ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ tại Afghanistan, trong khi tình hình an ninh ở đó đang xấu đi.
“Cuộc chiến này làm xói mòn an ninh của chúng ta, vị thế của chúng ta trên thế giới, quân đội của chúng ta, nền kinh tế của chúng ta cũng như những nguồn lực cần thiết khác để chúng ta có thể đối đầu với những thách thức trong thế kỷ 21”, đó là lập luận của ông.
Liệu lập luận đó có thuyết phục được cử tri, đang là một câu hỏi lý thú và sẽ sớm có câu trả lời.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)