Chính quyền Moscow, hôm qua (14/7), thông báo sẽ cử các tàu chiến tới tuần tra vùng biển Bắc cực, động thái mới nhất nhằm tăng cường sự hiện diện của quân sự nước này trên toàn cầu.
Các hoạt động tuần tra của tàu khu trục Severomorsk thuộc Hạm đội biển Bắc và tàu tuần tiễu Marshal Ustinov sẽ bắt đầu từ ngày 17/7, phát ngôn viên Hải quân Nga, Igor Dygalo cho biết.
Tàu ngầm Mir-I của Nga dưới đáy biển Bắc Cực. (Ảnh: Reuters) |
Nga bắt đầu cử các hàng không mẫu hạm tới Địa Trung Hải từ hồi tháng 12 năm ngoái và nối lại các hoạt động tuần tra của máy bay ném bom tầm xa hồi tháng 8.
"Chúng tôi đã bàn bạc trong một thời gian dài về việc mở rộng các hoạt động ở Bắc Cực", ông Dygalo nói. "Chẳng có gì gây hấn trong chuyện này - nó nằm trong các lợi ích an ninh".
Cựu Tổng thống Vladimir Putin đã mở rộng các hoạt động tuần qua của quân đội Nga và người kế nhiệm ông là Dmitry Medvedev dường như sẽ tiếp tục tiến trình này.
Tuy nhiên, theo Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quân sự ở Moscow, an ninh không phải là động cơ chính của Nga khi cử các tàu Hải quân tới Bắc Cực. "Về cơ bản, đây là một hành động thể hiện tham vọng của nước lớn", ông Felgenhauer nói. "Chỉ cử một vài tàu tuần tra tới Bắc Cực sẽ chẳng thể thay đổi được điều gì".
Hiện nay, Nga đang nỗ lực khẳng định chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngày càng dễ tiếp cận khi băng ở Bắc Cực tan do ấm nóng toàn cầu.
Gần đây, Moscow đã có một chuyến thám hiểm cắm cờ ở đáy biển Bắc Cực, và nói rằng nghiên cứu cho thấy một dãy núi lớn chìm dưới biển tại khu vực này, nơi được tin là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn, là một phần thềm lục địa của Nga.
Nga hy vọng có thể mở rộng đường vào cho ngư dân nước này vì hiện nay họ bị cấm tới các vùng biển quanh đảo Spitsbergen, nơi Na Uy tuyên bố độc quyền. Nga không công nhận vùng kinh tế rộng 200 dặm theo quy định trong hiệp ước năm 1982 của LHQ.
Phát ngôn viên Dygalo nhấn mạnh, bảo vệ ngư dân Nga là một trong các mục tiêu chính của các hoạt động tuần tra mới tại Bắc Cực.
- Thanh Hảo (Theo CNN, AP)