Đối với nhiều người Hàn Quốc, tranh cãi về thịt bò Mỹ là cuộc sát hạch liệu các lãnh đạo của đất nước này có thể chống lại áp lực từ các siêu cường như Mỹ hay không.
Khi hàng chục nghìn người Hàn Quốc dồn về trung tâm thủ đô Seoul trong cuộc biểu tình phản đối Chính phủ lớn nhất tại nước này trong 20 năm qua, cảnh sát đã dựng lên một hàng rào gồm các container vận tải phủ dầu bên ngoài còn bên trong chứa các bao cát. Người biểu tình không thể trèo lên hoặc lật nhào những rào chắn này để tiến tới văn phòng của Tổng thống Lee Myung-bak cách đó vài tòa nhà.
Người biểu tình trước hàng rào container ở thủ đô Seoul
Đối mặt với bức tường này, người biểu tình chẳng thể làm gì khác ngoài việc dán vô số các biểu ngữ giống nhau lên hàng rào này: ’’Đây là một biên giới mới của đất nước chúng ta. Từ đây bắt đầu bang Hàn Quốc của Mỹ’’. Từ phía xa, một phụ nữ hô vang qua loa phóng thanh: ’’Lee Myung Bak là Lee Wan Yong’’.
Mọi học sinh Hàn Quốc đều biết Lee Wan Yong là Tể tướng nước này hồi đầu thế kỷ, người đã giúp Đế quốc Nhật xâm lược Hàn Quốc.
Tự hào dân tộc bị tổn thương
Các cuộc biểu tình hôm 10/6 đánh dấu sự thay đổi đột ngột về vận may chính trị của Tổng thống Lee. Khi ông đắc cử tổng thống vào tháng 12/2007, người Hàn Quốc ca ngợi ông là vị lãnh đạo họ mong đợi bấy lâu, người có thể cứu vớt liên minh của đất nước này với Mỹ, mối quan hệ vốn bị kéo căng dưới thời người tiền nhiệm cánh tả Roh Moo-hyun.
Chỉ 6 tháng sau, ông Lee thấy rằng công chúng Hàn Quốc đang chê bai ông là ’’một lãnh đạo quỳ gối trước Mỹ’’. Cựu Tổng thống Roh đã nói rằng ông không bao giờ trở thành người đó.
’’Là một lãnh đạo thực dụng, ông Lee đã bỏ qua niềm tự hào dân tộc của Hàn Quốc. Nếu rắc rối của ông Roh khi làm tổng thống là quá dân tộc chủ nghĩa thì vấn đề của ông Lee lại là thiếu điều đó’’, Choi Jin, Giám đốc Viện Tổng thống ở Seoul, nhận định.
Nếu ông Lee hòa vào dòng người biểu tình hôm 10/6, ông hẳn đã nhìn thấy rằng nguyên nhân của sự giận dữ này không chỉ là do quyết định của ông dỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ.
Người dân Hàn Quốc cảm thấy niềm tự hào dân tộc của họ bị tổn thương. Người biểu tình, một số đã bật khóc, đã hát một bài hát không phải về thịt bò Mỹ mà là về một vương quốc cổ xưa của Hàn Quốc rộng lớn hơn bán đảo Triều Tiên ngày nay.
Sự suy giảm uy tín của ông Lee bắt nguồn ngay từ giây phút vinh quang đầu tiên làm Tổng thống. Vào ngày 19/4, ông trở thành lãnh đạo đầu tiên của Hàn Quốc được mời tới trại David - khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ. Nhiều ngày trước đó, các trợ lý của ông Lee mô tả cuộc gặp giữa hai lãnh đạo này là một sự kiện tạo đà - sự kiện mà Washington chưa từng dành cho các lãnh đạo như ông Roh, người thường bị cáo buộc quá dân tộc chủ nghĩa và chống Mỹ mạnh mẽ.
Những người Hàn Quốc cao tuổi, đã từng chiến đấu cùng với quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 1950, đổ xuống đường ăn mừng. Họ đã tin tưởng ông Lee có thể cứu Hàn Quốc khỏi cái mà họ gọi là ’’các yếu tố cánh tả, chống Mỹ và thân Triều Tiên’’, chẳng hạn như ông Roh.
TIN LIÊN QUAN
Trước thềm cuộc gặp với ông Bush, ông Lee đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ kéo dài 5 năm. Lệnh cấm này lần đầu tiên được thực thi năm 2003 sau khi một ca bò điên được phát hiện tại Mỹ. Động thái này đã thể hiện quyết tâm của ông Lee tái xây dựng các mối quan hệ với Washington.
Rõ ràng là ông Lee đã không lường trước được phản ứng trong nước, đặc biệt là phản ứng của giới trẻ, những người đang theo dõi nhất cử nhất động của ông một cách lạnh lùng. ’’Lần này chúng ta quỳ gối trước Washington. Thật hổ thẹn và tồi tệ’’, một người biểu tình tên là Kim Sook Yi, 35 tuổi, nói.
Cuộc sát hạch
Đối với nhiều người Hàn Quốc, tranh cãi về thịt bò Mỹ không hoàn toàn là về sức khỏe hoặc khoa học mà cũng không hoàn toàn về kinh tế. Giá thịt bò Mỹ chỉ bằng một nửa thịt bò Hàn Quốc.
Trên thực tế, tranh cãi này là cuộc sát hạch mới nhất về việc liệu các lãnh đạo Hàn Quốc có thể chống lại áp lực từ các siêu cường như Mỹ hay không, ngay cả khi áp lực này là hợp pháp. Hàn Quốc đã hứa dỡ bỏ lệnh cấm ngay khi Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới ra phán quyết thịt bò Mỹ an toàn. Phán quyết này đã được đưa ra vào tháng 9/2007.
Hàn Quốc đã xây dựng nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới chủ yếu nhờ vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ở một quốc gia thường bị các nước láng giềng lớn xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử, người dân luôn tỏ ra nghi ngờ sâu sắc trước các cường quốc, ngay cả các đồng minh như Mỹ. Người Hàn Quốc vẫn bực mình vì các nước lớn, trong đó có Mỹ, đã chia bán đảo này thành hai miền sau khi đánh bại Nhật Bản năm 1945.
Một tổng thống Hàn Quốc có thể giữ được ghế hay không tùy thuộc vào khả năng dung hòa chủ nghĩa dân tộc đó.
Khi hai nữ sinh bị một chiếc xe quân sự Mỹ cán chết cách đây 6 năm, vụ việc dường như chỉ là một tai nạn giao thông bi thảm. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hàn Quốc, người cảm thấy hổ thẹn về sự hiện diện của quân đội Mỹ, đã đổ xuống đường biểu tình. Ông Roh đã nhanh chóng cưỡi lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa đó để giành chiếc ghế Tổng thống. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông cam kết không bao giờ ’’quỳ gối trước Mỹ’’.
Không lâu sau, người Hàn Quốc bắt đầu mệt mỏi về những tuyên bố của ông Roh đã kéo căng quan hệ Mỹ-Hàn. Họ đã trao chiến thắng cho ông Lee, người hứa hẹn sự thực dụng và hàn gắn quan hệ với Washington.
’’Ông Lee quá tự tin. Ông nghĩ vì mọi người đã chối bỏ ông Roh nên ông có thể đi theo hướng ngược lại’’, Giáo sư khoa học chính trị Kang Won Taek thuộc ĐH Soongsil, nhận định.
Nhiều nhà phân tích tại Seoul nói rằng các cuộc biểu tình gần đây thể hiện chủ nghĩa dân tộc hơn là quan điểm chống Mỹ. Tuy nhiên, ranh giới giữa chủ nghĩa dân tộc và quan điểm chống Mỹ là rất nhỏ.
Trong tháng này, Alexander Vershbow, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, đã nếm trải quan điểm chống Mỹ âm ỉ khi ông bảo vệ sự an toàn của thịt bò Mỹ. ’’Chúng tôi hy vọng người dân Hàn Quốc sẽ bắt đầu hiểu nhiều hơn về khoa học và về sự thật của thịt bò Mỹ’’, ông nói. Ngay hôm sau, các chính trị gia và người biểu tình đã gọi bình luận trên là một ’’sự sỉ nhục đối với công chúng Hàn Quốc". Ông Vershbow đã lấy làm tiếc rằng ông bị hiểu nhầm.
’’Ngày nay, người Hàn Quốc nói rằng chỉ có hai người chống Mỹ ở Hàn Quốc. Một người là ông Lee Myung Bak và người còn lại là Đại sứ Vershbow. Họ đã thổi bùng ngọn lửa chống Mỹ bằng cái họ nói và làm’’, nhà xã hội học Jeon Sang Il tại ĐH Sogan nhận định.
-
Minh Sơn (theo Herald Tribute)