221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1073996
Mỹ, EU dọa áp dụng các cấm vận mới chống Iran
1
Article
null
Mỹ, EU dọa áp dụng các cấm vận mới chống Iran
,
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa đe dọa sẽ áp dụng thêm các lệnh cấm vận mới chống Iran trừ phi nước này chứng thực đã chấm dứt hoạt động làm giàu uranium.

Khuyến cáo được đưa ra sau các cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Slovenia, nơi ông tham gia hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trên cương vị lãnh đạo Nhà Trắng.

(Từ trái qua phải) Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc họp báo chung ở Lâu đài Brdo, Slovenia hôm 10/6 (Ảnh AP)
(Từ trái qua phải) Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc họp báo chung ở Lâu đài Brdo, Slovenia hôm 10/6 (Ảnh AP)

Theo tuyên bố chung gồm 5.000 từ của các lãnh đạo Mỹ và EU, ngoài những lệnh trừng phạt đã có, họ sẵn sàng áp dụng thêm "các biện pháp nhằm bảo đảm các ngân hàng của Iran không thể lạm dụng hệ thống ngân hàng quốc tế để hậu thuẫn việc phát triển vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố".

Kể từ năm 2006, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua 3 đợt cấm vận Iran vì khước từ yêu cầu của cơ quan này. Các biện pháp trừng phạt bao gồm những quy định hạn chế tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân và công ty Iran được cho là có liên quan đến hoạt động hạt nhân của nước này. Ngoài ra, HĐBA cũng cấm việc bán cho Iran những thiết bị có 2 công dụng (có thể dùng cho các mục đích dân sự hoặc quân sự).

Tổng thống Mỹ cho rằng một nước Iran vũ trang hạt nhân sẽ là hiểm họa khôn lường đối với hòa bình thế giới. Ông Bush khẳng định: "Hoặc Iran phải đối mặt với việc bị cô lập hoặc họ có thể có quan hệ tốt hơn với tất cả chúng ta nếu họ chứng thực đã ngưng chương trình phát triển hạt nhân của mình. Trong quá khứ Iran đã phớt lờ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nên họ không đáng tin trong vấn đề làm giàu uranium".

Phát biểu của ông Bush được đưa ra trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso sau cuộc hội đàm của các lãnh đạo.

Chiến lược "củ cà rốt và cây gậy"

Giới quan sát nhận định Mỹ hiện đang nỗ lực gây sức ép buộc các doanh nghiệp châu Âu phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Iran. Ngân hàng Barclays có trụ sở tại Anh hiện đã đáp ứng áp lực từ Washington và chấm dứt mọi giao dịch với các ngân hàng Saderat và Melli của Iran. Mỹ đã liệt kê tên của hai ngân hàng này trong danh sách Các đối tượng bị chỉ định trừng phạt đặc biệt (SDN) của Bộ Tài chính.

Theo quy định của Mỹ, tất cả các doanh nghiệp nước này đang giao dịch với bất kỳ đối tượng nào nằm trong danh sách SDN phải đóng tài khoản của họ ngay lập tức và chấm dứt mọi hoạt động làm ăn liên quan.

Trong khi đó, Tehran đã yêu cầu các ngân hàng Iran chuyển tài sản và những khoản đầu tư từ các ngân hàng châu Âu về ngân hàng trung ương trong nước. Các chuyên gia phân tích bình luận rằng động thái này không chỉ giúp Tehran thoát khỏi các lệnh cấm vận kinh tế mà còn giúp  họ thực hiện một kế hoạch quy mô hơn của chính phủ về việc tạo ra một ngân hàng lớn mạnh của Iran, hoạt động theo các nguyên tắc của Hồi giáo.

Đe dọa thực thi thêm các lệnh cấm vận mới được coi là "cây gậy" mà Washington muốn dùng để trừng phạt Tehran. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Mỹ và EU vẫn sẵn sàng thử chìa "củ cà rốt" thuyết phục Iran từ bỏ hoạt động hạt nhân gây nhiều tranh cãi một lần nữa.

Trưởng ban chính sách đối ngoại EU Javier Solana dự kiến sẽ tới Iran vào chủ nhật (15/6) để tái nhắc lại một đề xuất ưu đãi về kinh tế và chính trị dành cho Iran. Tại cuộc họp báo, ông Bush cũng đã nhấn mạnh: "Hiện là thời điểm cho những nỗ lực ngoại giao tích cực, mạnh mẽ".

Chuyến đi giã biệt châu Âu của ông Bush

Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh EU ở Slovenia, Tổng thống Mỹ Bush dự kiến sẽ tới thăm Đức, Italia, Vatican, Pháp và Anh. Đây được coi chuyến công du giã biệt châu Âu của ông Bush trước khi mãn nhiệm vào đầu năm 2009.

Theo giới phân tích, khi các lãnh đạo EU chuẩn bị nói lời chia tay với ông Bush, họ muốn tập trung vào những vấn đề giúp đoàn kết châu Âu và Mỹ; ví dụ như EU dự kiến sẽ kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở Zimbabwe và đề nghị LHQ cử một phái bộ tới giám sát nhân quyền ở quốc gia này trước vòng bầu cử tổng thống thứ hai vào ngày 27/6. Tuy nhiên, đối với một số thách thức chính như sự thay đổi khí hậu toàn cầu, không ai dự đoán sẽ có bước đột phá trong các cuộc thương thuyết giữa hai bên.

C. Boyden Gray - Đại sứ Mỹ tại EU từng khuyến cáo châu Âu không nên ảo tưởng rằng quan điểm của Washington sẽ thay đổi "một cách thần kỳ" dưới thời vị tổng thống kế nhiệm ông Bush.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở lâu đài Brdo hôm 10/6, ông Bush đã trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến những trở ngại đối với nền kinh tế Mỹ cũng như vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu. Về cơ bản, lãnh đạo Nhà Trắng bác bỏ ý tưởng về sự can thiệp của chính phủ nhằm làm chỗ dựa cho giá trị của đồng đô la Mỹ. Ông Bush bày tỏ sự tin tưởng đối với chính sách đồng đô la mạnh nhưng nói rằng các nền kinh tế thế giới rốt cuộc sẽ quyết định giá trị của đồng đô la Mỹ.

Đối với vấn đề ấm nóng lên toàn cầu, ông Bush khẳng định: "Tôi nghĩ chúng ta có thể thực sự đạt được một thỏa thuận về sự thay đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tôi còn làm tổng thống Mỹ". Nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Bush dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/1/2009.

Ông Bush cho rằng không một thỏa thuận nào về vấn đề trên có thể có hiệu lực nếu thiếu sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong số những bất đồng chính giữa Mỹ và các đồng minh có cả việc liệu có nên đưa các mục tiêu bắt buộc về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào bất kỳ chính sách đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu hay không.

Thủ tướng Sovenia kiêm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Janez Jansa thừa nhận các thành viên EU và Mỹ có thể có những cách tiếp cận khác nhai đối với một số thách thức chung. Ông cũng nói thêm rằng một thỏa thuận toàn cầu mà thiếu vắng sự phê chuẩn của các nước đang phát triển sẽ chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "các quốc gia phát triển nhất sẽ đóng vai trò dẫn đầu" trong mọi nỗ lực.

  • Thanh Bình (Theo BBC, AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;