Tổng thống Bush và Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani hôm 18/5 đã cam kết chống khủng bố song không công khai chính sách chung trong tương lai về vấn đề này.
Washington đã lo ngại về sự thay đổi chính sách kể từ khi chính phủ liên minh của Pakistan được thành lập cách đây 6 tuần. Liên minh này đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Taliban - lực lượng mà quân đội Mỹ và Nato đang chống lại ở Afghanistan. Taliban, bị mất quyền sau cuộc xâm lược Afghanistan năm 2001 của Mỹ, cũng hoạt động tại vùng bộ tộc giáp biên giới Afghanistan.
Tổng thống Bush và Thủ tướng Pakistan (ảnh AFP)
Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Pakistan, ông Bush chỉ gián tiếp bày tỏ sự quan ngại của Mỹ. Ông Bush nói rằng ông và ông Gilani đã tổ chức ’’một cuộc thảo luận rất thẳng thắn’’ và ông gợi ý Washington và Islamabad có thể hợp tác hiệu quả về các vấn đề kinh tế.
Ông Gilani, hiện đang tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới tại Ai Cập, đã mô tả khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là ’’mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới’’. Ông cũng nhắc lại rằng lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan của ông là bà Bhutto đã bị ám sát trong một cuộc tấn công vào tháng 12/2007. Ông Gilani nói rằng Pakistan cam kết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan song cũng nhắc nhở Tổng thống Mỹ rằng chính phủ của ông đã được bầu một cách dân chủ và ’’có một sự thay đổi đối với hệ thống này’’.
Trong một diễn biến khác, quân đội Pakistan đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của phương Tây rằng kế hoạch rút một số quân khỏi các vùng bộ tộc có nghĩa là nước này đang buông lơi cuộc chiến chống tư lệnh Mehsud của Taliban. Mehsud đã tự xưng là lãnh đạo Taliban ở Pakistan và đã tuyên chiến với chính phủ Pakistan cuối năm 2007. Hắn đã bị quy trách nhiệm về một loạt các vụ đánh bom liều chết, trong đó có vụ ám sát cựu Thủ tướng Bhutto.
Quân đội Pakistan cho biết sẽ rút đi để cho khoảng 200.000 người tị nạn trở về nhà. ’’Chúng tôi đang điều chỉnh các vị trí của chúng tôi để những người tị nạn này trở về nhà do mùa màng của họ đang bị phá hủy và gia súc đang chết đói’’, Tướng Tariq Khan cho biết. Tuy vậy, ông khẳng định quân đội vẫn đang kiểm soát tình hình.
- Minh Sơn (theo AFP, Reuters)