Khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau một cách thường xuyên hơn để thảo luận về tình hình giá dầu, lương thực gia tăng, thì vẫn chưa có một ’’phép màu’’ nào được thực hiện để nhanh chóng kiềm chế giá. Các nền kinh tế lớn khắp thế giới đang lo lắng về viễn cảnh tăng trưởng và sự thịnh vượng của quốc gia.
Châu Âu đang đối mặt với một ’’cú sốc lạm phát mạnh’’ do kết quả của giá lương thực và năng lượng gia tăng, Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề Kinh tế và Tiền tệ Joaquin Almunia cho biết.
(Ảnh Resimao, investingadventures)
Ông nói, lạm phát ở mức cao hơn đang thực sự là ’’lực đẩy làm yếu đi những lĩnh vực khác trong xã hội vì nó đang ’ăn mòn’ những khả năng của mọi người, những người phải chứng kiến thu nhập bị đình trệ trong vài năm nay’’.
Phát biểu của ông Joaquin Almunia đưa ra khi Uỷ ban châu Âu đang xem xét lại dự báo mức lạm phát trong năm nay, tăng 3,2% so với mức 2,1% của năm 2007 và vượt qua mục tiêu dưới 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu hướng tới.
Các con số thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 2,6% trong quý ba 2007 xuống còn 2,2% trong quý vừa qua, do tiêu dùng cá nhân giảm sút vì giá cả hàng hóa cần thiết như năng lượng, lương thực tăng cao.
Trong khi ở Mỹ, người dân vốn đã thấy rõ sự sụt giảm kinh tế vì cuộc khủng hoảng tín dụng, nay lại thêm nghẹt thở vì giá cả.
Theo một báo cáo của Herald Tribune, tầng lớp
người tiêu dùng trung lưu và lao động ở Mỹ bắt đầu chuyển từ việc chọn mua sản phẩm thương hiệu sang các loại thay thế giá rẻ hơn, họ ăn ở nhà thay vì ra ngoài, ít đi máy bay để tiết kiệm chi phí đi lại.
TIN LIÊN QUAN
Báo cáo trích dẫn lời chuyên gia tư vấn bán lẻ Burt Flickinger rằng, ông đã từng chứng kiến sự thay đổi tương tự trong việc chọn lựa sản phẩm của khách hàng vào cuối thập niên 70, khi lạm phát tăng cao đã khiến người Mỹ phải ’’đổi từ thịt đỏ sang thịt lợn, gia cầm rồi mỳ ống, sau đó là bơ thực vật và thịt đông lạnh’’.
Vào tháng 4, chỉ số Lòng tin Tiêu dùng ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm nay, ở mức 62,6, thấp nhất kể từ tháng 4/1982, khi giai đoạn tăng trưởng thấp và lạm phát cao vẫn là vấn đề với rất nhiều người Mỹ.
Quốc gia láng giềng ở phía nam cũng trong tình trạng tương tự. Canada đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn phía trước. Ngân hàng Trung ương của Canada đã xem xét lại dự báo tăng trưởng GDP trong tháng 1 là 1,8% xuống còn 1,4% vào ngày 24/4 do giá xăng dầu tăng vọt, giá lương thực leo thang.
Bruce Cran, Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng của Canada, cho rằng, người Canada đang thay đổi thói quen ăn uống bằng cách sử dụng các sản phẩm lương thực thu hoạch ở gần khu dân cư của họ.
So với tình hình ở các nền kinh tế phát triển, giá dầu và lương thực gia tăng thực sự có sức ’’công phá’’ lớn hơn tại các nền kinh tế mới nổi, nơi người dân phải chi tiêu mức lớn hơn trong khoản thu nhập của mình để mua các sản phẩm cơ bản như nhiên liệu và lương thực.
Trong một cuộc họp của IMF vào giữa tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Chidambaram cho hay, Ấn Độ đang tìm kiếm sự nhất trí toàn cầu trước tình hình giá dầu, lương thực leo thang ở rất nhiều nước. Ông nhấn mạnh: ’’vấn đề sẽ là tạo ra một sự lây lan toàn cầu nếu hành động hợp thời không được thực hiện’’.
Ở một số lĩnh vực, ’’sự lây lan’’ này đã thể hiện rõ ràng. Thiếu tiền, Chương trình Lương thực thế giới chuyên cung cấp lương thực cho những người nghèo nhất đã không còn chọn lựa nào hơn là cắt giảm lượng viện trợ.
-
Kỳ Thư (Theo Tân Hoa xã)