Thủ lĩnh Taliban tại Pakistan đã rút khỏi một hiệp định hòa bình với chính phủ nước này sau khi Islamabad từ chối rút quân khỏi các vùng đất bộ tộc gần biên giới với Afghanistan, phát ngôn viên của Taliban tuyên bố hôm 28/4.
Các lãnh đạo bộ tộc tại vùng Nam Waziristan đã cố làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và Baitullah Mehsud - một đồng minh của al-Qaeda, đồng thời là chỉ huy Taliban tại Pakistan. Mehsud đã bị cáo buộc chỉ huy làn sóng các vụ đánh bom liều chết làm chấn động Pakistan kể từ giữa năm 2007 tới nay, trong đó có vụ ám sát cựu Thủ tướng Bhutto.
Chiến binh Taliban tập trung tại một thị trấn biên giới Pakistan
’’Thủ lĩnh Baitullah Mehsud của chúng tôi đã tuyên bố chấm dứt tiến trình đàm phán cách đây chừng 1 giờ sau khi các lãnh đạo bộ tộc thông báo cho chúng tôi rằng chính phủ không muốn rút quân khỏi Waziristan và các vùng khác’’, phát ngôn viên Maulvi Omar của Phong trào Taliban nói.
Tuần trước, Mehsud đã tuyên bố ngừng bắn sau khi nhà chức trách Pakistan thể hiện sự lạc quan rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ được hoàn tất trong vài ngày. Omar nói rằng các chiến binh Taliban sẽ ngừng bắn nếu quân đội chính phủ không tấn công chúng. ’’Chúng tôi không muốn chiến tranh và có thể nối lại các cuộc đàm phán nếu chính phủ sẵn sàng. Tuy nhiên, nếu họ mở một chiến dịch quân sự chống chúng tôi, chúng tôi sẽ báo thù’’, hắn nói.
Omar còn nói rằng một số nhân vật giấu mặt trong các cơ quan tình báo Pakistan đang hành động dưới sự ảnh hưởng của các lực lượng nước ngoài nhằm phá hoại tiến trình hòa bình. ’’Chính phủ cần loại bỏ những kẻ này nếu muốn hòa bình ở Waziristan và các vùng bộ tộc khác’’, Omar nói.
Chính phủ liên minh mới của Pakistan, dưới sự lãnh đạo của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) muốn mở các cuộc đàm phán với Taliban nhằm phá vỡ các chính sách của Tổng thống Musharraf. Sự ủng hộ của ông Musharraf đối với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu không được nhiều người ủng hộ, đặc biệt là các bộ tộc Pashtun ở gần biên giới với Afghanistan.
Ông Musharraf đã thử mọi thứ, từ các chiến dịch quân sự cho tới chính sách xoa dịu để giải quyết tình trạng này. Trước kia, chính phủ Pakistan cũng đã ký kết các thỏa thuận hòa bình với chiến binh ở Waziristan song các hiệp định đó đã đổ vỡ. Các nhà chỉ trích cho rằng các thỏa thuận hòa bình chỉ giúp các chiến binh có cơ hội tái hợp rồi gia tăng các cuộc tấn công xuyên biên giới tại Afghanistan.
-
Minh Sơn (theo Reuters)