Chỉ vài tháng trước đây, Booncherd Leekasem không bao giờ nghĩ tới có lúc phải đạp chân xuống bùn đen hay đi sau con trâu cái cày trên một cánh đồng lúa. Là một người đứng đầu Khao Ngam ở miền trung Thái Lan, ông thường tham dự các việc được coi trọng hơn như tổ chức hội làng, điều hành nhà hàng nơi vợ ông phục vụ khách món đặc sản cá trê salad.
Booncherd cho thuê người nghèo thuê 14ha đất, để họ gieo trồng, làm đất và thu hoạch lúa gạo. Năm nay, mọi thứ đã thay đổi, và hiện tại, Booncherd dùng cả ngày trời của mình lao động trên các cánh đồng, dưới cái nắng nóng miền nhiệt đới. “Trước đây, khi trẻ con đi học, được hỏi cha chúng làm gì, chúng thường xấu hổ khi trả lời ’’cha là nông dân’’, ông nói. “Nhưng bây giờ, là một người nông dân không có gì đáng xấu hổ cả, chúng tôi tự hào vì những gì chúng tôi làm’’.
Thu hoạch lúa ở miền Trung Thái Lan (Ảnh Ri)
Trên khắp đất nước, người Thái đang trở lại với lúa gạo giống như những người đi tìm kiếm các mỏ vàng. Sau khi giá lương thực toàn cầu tăng vọt, nghề nông vốn rất mệt mỏi, tiêu phí công sức lại trở nên nghề thu hút sinh lời. Các cơ hội kinh tế tuy nhiên cũng mang lại rủi ro cho người nông dân như phụ thuộc sâu hơn vào các khoản vay nợ, vật lộn để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và buộc phải có biện pháp bảo vệ ruộng đồng, mùa màng khỏi những kẻ trộm lúa gạo mới xuất hiện.
20 triệu nông dân Thái Lan đã tìm thấy chính họ ở vị trí trung tâm trong cơn bão giá không ngờ trên toàn cầu, một ’’cơn sóng thần yên lặng’’ theo ngôn từ mà người phụ trách Chương trình Lương thực thế giới đưa ra, đang đe dọa thiếu đói tới hàng triệu người.
Nguyên nhân thì khá phức tạp. Tầng lớp trung lưu mới nổi ở nhiều quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng gia tăng nhu cầu lương thực vào đúng thời điểm ngày càng nhiều diện tích gieo trồng mùa màng được sử dụng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường. Hàng loạt thảm họa tự nhiên, từ khô hạn ở Australia đến lụt lội tại CHDCND Triều Tiên và lốc xoáy tại Bangladesh, đã phá hủy mùa màng và giảm khả năng dự trữ lương thực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khi giá lương thực leo thang, đã xảy ra nhiều vụ bạo động và biểu tình tại 33 quốc gia, từ Haiti đến Philippines. Nhằm bình ổn giá lương thực địa phương, nhiều nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam đã buộc phải hạn chế lương thực xuất khẩu, lại càng đẩy giá cao hơn.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, kết quả là ’’gạo đã trở thành vàng’’.
Một năm trước đây, 1 tấn gạo loại B của Thái bán với giá 325 USD; Tuần trước, con số này là 960 USD và tiếp tục tăng lên. Nghề nông trở thành nghề sinh lời gấp ba so với trước, và nông dân trồng lúa nhanh chóng thu lợi nhuận trong tay. Những cánh đồng từng bị bỏ quên nay trở nên sôi động với tiếng máy cày, tiếng trao đổi của những người dân gieo trồng.
Ở khu vực ẩm ướt và phì nhiêu miền trung Thái Lan, nơi ông Booncherd sinh sống, nông dân đang dự tính tới việc gieo trồng ba, thậm chí là bốn vụ một năm thay vì một hoặc hai vụ trước đây.
Dĩ nhiên, sự bùng nổ của ngành nông nghiệp không hẳn mang tới mọi điều vui vẻ, hạnh phúc. Ông Booncherd đã có những cuộc tranh cãi với hàng xóm về nguồn nước sử dụng, mọi việc chỉ được giải quyết khi họ quyết định đầu tư những máy bơm mới đắt tiền để bơm nước từ một kênh đào cách xa.
Nếu giá gạo tiếp tục đắt đỏ hơn, thì người nông dân theo đó cũng tăng cường sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ mùa màng, nhiên liệu sử dụng cho các máy gặt đập, cày cấy cũng tăng. Đó là chưa kể, gạo trong mọi trường hợp đều qua tay lớp trung gian như: tương nhân, chủ cối xay và nhà xuất khẩu - những người này ít nhiều buộc phải có lợi nhuận trước khi bán gạo ra thị trường quốc tế.
Và lợi nhuận từ loại hàng hóa quý giá này cũng tạo ra những lo lắng mới về các kẻ trộm lúa trên đồng lúc ban đêm. Daourieng Kitsamit, một nông dân ở tỉnh Ayutthaya đã bị mất 63 thùng lúa trên đồng. Cảnh sát Thái Lan đã thực hiện tuần tra ban đêm còn nông dân thì hăng hái tham gia lực lượng dân quân, bảo vệ thành quả của chính họ.
Và giá gạo còn tăng, còn nhiều người đổ xô vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu Thái Lan quyết định hạn chế lượng gạo xuất khẩu, giá gạo địa phương sẽ giảm xuống, gánh nặng nợ nần lại đè lên vai người nông dân.
Và như thế, ông Booncherd sẽ lại vui vẻ với công việc điều hành nhà hàng, nơi vợ ông phục vụ khách món cá trê salad.
-
Kỳ Thư (Theo Timesonline)