Khi Philippines phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều năm nay, thì rất nhiều nông dân ở chính khu vực cấy trồng đã từ bỏ ruộng đồng, đến với các nghề có thu nhập hấp dẫn hơn.
Ở Philippines, nhiều nông dân rời bỏ ruộng đồng, ra thành phố tìm sinh kế mới (Ảnh Reuters)
Lambuyong Burnag, một nông dân 70 tuổi, hiện nay chuyên ‘’làm mẫu’’ chụp hình cho khách du lịch trong trang phục đa sắc tiêu biểu của người dân bộ lạc tại vùng ruộng bậc thang Ifugao nổi tiếng ở phía bắc Philippines.
Thay vì tự trồng lúa gạo trên mảnh đất nhỏ được thừa kế, ông đã dùng số tiền nhận được từ các khách du lịch để mua gạo giá rẻ được chính phủ phân phối cho các cộng đồng cư dân nghèo.
"Chúng tôi không thể thực sự phụ thuộc vào những mảnh ruộng nhỏ để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai’’, ông Burnag nói trong lúc chờ đợi nhóm khách du lịch tiếp theo tới thuê ông chụp hình.
Burnag cũng không còn trẻ để trèo qua những thửa ruộng bậc thang cao và hẹp nằm dọc theo dãy núi Cordillera. Nhưng thậm chí cả những người trẻ hơn trong làng ông cũng từ bỏ việc trồng lúa gạo. Đó là công việc đòi hỏi lao động vất vả, khó nhọc mà mùa màng đôi khi lại thất bại do sâu bệnh, lũ lụt.
Thậm chí, khi giá gạo tăng cao, thì lợi nhuận người nông dân được hưởng vẫn ở mức thấp vì giá phân bón tăng, giá chào mua lương thực thấp, số lời chủ yếu nằm trong tay lớp người trung gian.
"Con cháu chúng tôi có suy nghĩ khác, chúng không còn hứng thú với đồng ruộng vì trồng lúa gạo không còn đáp ứng đủ nhu cầu của chính mình. Chúng tôi vẫn phải mua gạo từ những vùng thấp’’, ông Burnag nói.
Ruộng lúa bậc thang 2.000 năm tuổi của Philippines tại dãy núi Coridellera đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Tuy nhiên, nó đã bị bỏ quên và không được tu sửa khi người nông dân rời bỏ ruộng đồng đến với những nguồn thu hấp dẫn khác.
Giá gạo ở Philippines đã tăng vọt trong vài tháng gần đây theo xu thế toàn cầu, những người nông dân nói rằng, họ không hề được hưởng lợi. Ở những khu vực ruộng bậc thang, năng suất thường thấp và việc gieo trồng thu hoạch đều tiến hành bằng tay, có rất ít người còn động lực để ở lại với đất.
Raymond Bahatan, phụ trách cơ quan nông nghiệp của Ifugao cho biết, cung cấp gạo địa phương không bao giờ đủ trong khu vực tỉnh vì nông dân có truyền thống gieo trồng đúng một vụ/năm.
Nông dân ở các vùng đồng bằng lớn thường sản xuất hai, ba vụ mỗi năm, và họ có thể bán sản phẩm dư thừa tại thị trường địa phương. "Ruộng bậc thang của chúng tôi có sản lượng chỉ là 2,5 tấn/ha’’, ông nhấn mạnh, sản lượng này thấp hơn mức trung bình là 3,8 – 4,2 tấn/ha ở hầu hết đồng ruộng trong vùng thấp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giảm cả diện tích gieo trồng
Raymond nói tiếp: "Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Diện tích ruộng bậc thang của chúng tôi đang sụt giảm ở mức báo động. Khoảng 25-30% đất đã bị bỏ hoang, lãng quên hay sử dụng vào mục đích khác’’.
Một số nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang các sản phẩm có giá trị cao hơn như rau, cao su, cà phê, nhưng rất nhiều người khác thì bỏ ruộng đồng đi tìm việc làm ở các thành phố lớn. Những phòng trọ, cửa hiệu lương thực và bán lẻ đã lấn dần đất nông nghiệp.
Hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh tồi tệ trong cung cấp lương thực đã vang lên, chính phủ Philippines đã ra lệnh dừng mọi kế hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác.
Nhưng họ làm không tích cực để ngăn chặn việc dân di cư tới thành phố, rời bỏ ruộng đồng. "Đây là điều đáng buồn vì hầu hết thanh niên đều có giấc mơ kiếm sống dễ dàng hơn, có nghề nghiệp thu nhập cao hơn ở các thành phố hay nước ngoài’’, Raffy Menen, lãnh đạo một hiệp hội nông dân ở vùng ruộng bậc thang cho biết.
Ông nói, hầu hết học sinh trung học ở trong làng của ông chẳng có hứng thú gì với nghề trồng lúa truyền thống đã có lịch sử hơn 2.000 năm của ông cha. "Đây là công việc khó khăn, tất cả đều làm bằng tay vì chúng tôi không có gia súc cũng như thiết bị phù hợp với những thửa ruộng nhỏ. Thanh niên trong làng đều muốn kiếm việc tại các khách sạn hay nhà hàng trong thị trấn’’.
Theo Thị trưởng Ifugao, Teodoro Baguilat, sự can thiệp của chính phủ là cần thiết để cứu vãn và khôi phục nghề trồng lúa ở các ruộng bậc thang, không chỉ để thu hút khách du lịch mà còn đảm bảo sinh kế cho nông dân. "Chúng tôi chỉ có thể giữ người nông dân ở lại với đất nếu chúng tôi có thể đảm bảo cho họ thu nhập kinh tế tốt hơn cho những gì vất vả họ phải trải qua’’, Baguilat nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi phải đảm bảo rằng, họ có thể sản xuất nhiều hơn trên các thửa ruộng của họ và họ sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp từ du lịch’’.
Chính phủ Philippines hiện đang tìm cách thúc đẩy du lịch và yêu cầu các chuyên gia hỗ trợ cải thiện sản xuất.
Nếu nông dân được hỗ trợ thích đáng, khu vực này sẽ có một ‘’sản vật’’ riêng với lúa gạo ‘’nguyên thủy’’ không cần tới phân bón hay thuốc trừ sâu. "Đây là loại gạo gia truyền’’, Menen giải thích cho các du khách về mẫu gạo có mùi thơm đặc biệt.
"Chúng tôi không đủ cung cấp cho chính mình, nhưng chúng tôi muốn duy trì những nét riêng gọi là nhận diện và văn hoá của chúng tôi, để thế hệ trẻ có hứng thú ở lại với ruộng đồng. Chúng tôi chỉ không muốn được nhớ tới trong các tấm bưu thiếp xưa cũ‘’.
-
Kỳ Thư (Theo Reuters)