Các chuyên gia phân tích cho rằng, giá lương thực thế giới sẽ tăng hơn nữa và có thể tạo nên làn sóng phá huỷ cuộc sống của những người nghèo nhất thế giới - những người chi dùng hơn một nửa thu nhập hàng ngày cho lương thực.
Hôm thứ Hai, Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, đã có cảnh báo về giá lương thực tăng cao thực sự là nỗi lo lắng lớn với người dân. "Nó sẽ làm chính sách vĩ mô bất ổn, ảnh hưởng tới cán cân thương mại và dĩ nhiên là cả thu nhập của tất cả mọi người trên thế giới’’, ông nói.
Giá gạo tăng cao, người nghèo càng thêm khốn đốn (Ảnh newsmax)
Giá gạo toàn cầu đã tăng hơn 50% tính đến thời điểm này trong năm nay và hầu hết giá các loại lương thực khác đều tăng mạnh. Khi kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại, thì giá cả của hầu hết hàng hoá tiêu dùng cơ bản lại leo thang không ngừng. Đây là điều trái ngược với những gì đã dự báo trước đó.
Ông Strass-Kahn phát biểu trong một bài viết đăng trên trang web của IMF rằng: "Chúng ta đứng yên tại chỗ, trừ phi chúng ta hành động ngay bây giờ, nếu không thế giới sẽ phải đối mặt với các hạn chế thương mại, giá cả ngày một cao và nhiều người thiếu đói’’.
Quan chức IMF cho hay, Chương trình Lương thực thế giới đã kêu gọi khẩn cấp việc gia tăng quỹ hỗ trợ lương thực cho người nghèo. ‘’Mặc dù viện trợ là bước đi đầu tiên, nhưng chúng ta cần phải tính tới việc đối phó với các thách thức dài hạn của khả năng cung cấp lương thực’’, ông nhấn mạnh.
Rất nhiều nông dân trên thế giới đã không tăng sản lượng lương thực vì họ không được trang bị đầy đủ để làm việc này và cũng vì thị trường bị bóp méo khiến họ không được hưởng lợi từ tăng giá lương thực. Vì vậy, nếu chỉ chờ đợi thị trường tự điều chỉnh, sẽ là một chọn lựa không đúng đắn.
Giám đốc IMF nói, chúng ta không thể đánh mất tầm nhìn về các giải pháp dài hạn. Ông kêu gọi toàn cầu tiếp cận nhiều hơn với các chính sách, đặc biệt là chính sách nông nghiệp thực sự cần thay đổi.
Theo ông Strauss-Kahn, giá lương thực tăng cao trong vài năm qua một phần do những chính sách sai lầm trong phát triển kinh tế, ví dụ như nỗ lực sản xuất nhiên liệu sinh học từ các sản phẩm lương thực thông qua việc trợ cấp và các biện pháp bảo hộ.
Giá lương thực cao cũng phản ánh sự sao nhãng trong chính sách giá nông nghiệp ở một số quốc gia đang phát triển và vấn đề này cần được cải thiện.
Ông Strauss-Kahn khẳng định, không một ai quên được rằng, tất cả các quốc gia dựa vào thương mại mở đều cần cung cấp đủ lương thực cho người dân. Tuy nhiên, biện pháp ở một số nước như cắt giảm lương thực xuất khẩu có ảnh hưởng tới toàn cầu, cần giảm bớt các rào cản thương mại và khuyến khích giao dịch nông nghiệp.
Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới cũng đã có các cuộc thảo luận về việc cải thiện chính sách phát triển ở các quốc gia công nghiệp và cả những nước đang phát triển. Những cơ quan tài chính đang thúc đẩy hỗ trợ cho vay với lĩnh vực nông nghiệp ở các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình, để khuyến khích và ủng hộ những chính sách tốt. Tuy nhiên, cần làm nhiều hơn thế và đề xuất mới về Chính sách Lương thực Toàn cầu của Ngân hàng thế giới là một bước đi lớn phía trước.
"Chúng ta cần một cách tiếp cận mới để làm dịu đi những nguy cơ và có chính sách đảm bảo cho cả cá nhân nông dân cũng như các quốc gia’’, Giám đốc IMF tuyên bố.
Theo ông, những bước đi quan trọng là hỗ trợ cho bảo hiểm thảm hoạ và đảm bảo ổn định cho thị trường tương lai. Cần để người nông dân thấy rõ rằng, nếu họ mạnh dạn đầu tư, họ sẽ được hưởng thành quả. Các quốc gia cần đảm bảo loại hình bảo hiểm tài chính nông nghiệp luôn sẵn có mỗi khi cần thiết.
IMF tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc đảm bảo cân bằng nhu cầu thanh khoản và coi đây là cách góp phần giải quyết vấn đề lương thực đang tồn tại.
-
Kỳ Thư (Theo Tân Hoa xã)