Hôm 23/4, Mỹ đã tỏ ý quan ngại về dự thảo hiệp định hòa bình giữa chính phủ Pakistan và các chiến binh Taliban ở dọc biên giới với Afghanistan.
’’Chúng tôi lo ngại về hiệp định này và điều chúng tôi khuyến khích họ làm là tiếp tục chống lại những kẻ khủng bố này và không nên ngừng bất kỳ hoạt động an ninh hoặc quân sự nào hiện đang được tiến hành nhằm ngăn chặn một nơi ẩn náu an toàn cho bọn khủng bố tại đó’’, phát ngôn viên Dana Perino của Nhà Trắng nói.
Binh sĩ Pakistan ở vùng biên giới với Afghanistan
Bà Perino đưa ra tuyên bố trên khi các quan chức Pakistan và một phát ngôn viên của Taliban khẳng định chính phủ nước này đã soạn thảo một thỏa thuận hòa bình với các chiến binh Taliban ở vùng bộ tộc bất ổn, giáp ranh Afghanistan.
Chính phủ Pakistan đã tiến hành các cuộc thương lượng với Phong trào Taliban của Pakistan ngay sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, giữa lúc có những lo ngại rằng các chiến dịch quân sự của Tổng thống Musharraf đang làm gia tăng bạo lực - làn sóng các cuộc đánh bom liều chết. Mục đích là kiến tạo một nền hòa bình vĩnh viễn với Taliban, những kẻ đã chống lại chính phủ kể từ khi Islamabad tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu trong năm 2001.
Theo một quan chức an ninh cấp cao, dự thảo hiệp định này chứa đựng các điều khoản mà theo đó hai bên sẽ không có hành động quân sự chống lại nhau. Quân đội sẽ rút khỏi các khu vực nhất định, các chiến binh sẽ ngừng tấn công các lực lượng an ninh.
’’Các cuộc đàm phán của chúng tôi với chính phủ đang tiếp diễn. Có sự chuyển biến tích cực và chúng tôi đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của nhau. Trong vài ngày tới, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kết quả tích cực’’, phát ngôn viên Maulvi Omar của Taliban nói.
Hơn 1.000 người Pakistan đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết kể từ đầu năm 2007 tới nay, trong đó có cựu Thủ tướng Bhutto, người bị ám sát tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử hồi tháng 12/2007.
Dawn, một tờ báo tiếng Anh có uy tín của Pakistan, đưa tin dự thảo hiệp định hòa bình 15 điều khoản cũng đề cập tới việc trao đổi tù nhân. Hiệp định được sự hậu thuẫn của các chính trị gia và quân đội cấp cao.
-
Minh Sơn (theo AFP)