Chuyến thăm Mỹ tuần này của tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mở ra một cơ hội mới đưa quan hệ Mỹ-Hàn trở về một vị trí vững chắc hơn.
Những quan điểm của ông Lee, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12/2007, về hợp tác an ninh, hiệp định thương mại song phương và chính sách đối với Triều Tiên hoàn toàn tương đồng với Mỹ.
Tổng thống Lee Myung-bak |
Tận dụng
Câu hỏi là liệu Washington có sẵn sàng tận dụng sự tương đồng về quan điểm này hay không.
Trong tám năm qua, có một khoảng cách lớn về quan điểm giữa Seoul và Washington. Chính phủ hai nước thường có mục đích trái ngược nhau trong các cuộc đàm phán sáu bên giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Các chính phủ ở Hàn Quốc đã theo đuổi chính sách cùng tồn tại hòa bình với Triều Tiên thông qua cam kết một chiều. Cũng trong thời gian đó, chính quyền Bush đã tìm cách cô lập và gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các tham vọng hạt nhân và chẳng hề giấu giếm hy vọng về sự thay đổi chế độ ở quốc gia này.
Khi Washington quyết định chuyển các trụ sở quân đội Mỹ ra khỏi Seoul trong năm 2003, nhiều quan chức Hàn Quốc nghi ngờ rằng Mỹ chỉ muốn tránh tầm pháo của Triều Tiên. Tổng thống Roh Moo Hyun lúc đó dường như quan tâm với việc giữ vững vai trò là con lắc giữa các cường quốc lớn ở Đông Bắc Á. Trong khi đó, Mỹ bận tâm tới các vấn đề ở Trung Đông và một số quan chức Mỹ lúc đó đã tự hỏi liệu liên minh Mỹ-Hàn có thể tồn tại lâu nữa hay không khi một bên phớt lờ mối đe dọa của Triều Tiên trong khi bên kia coi đó là một mối đe dọa ngày càng tăng.
Giờ đây, ông Lee, cựu Thị trưởng Seoul và Giám đốc xây dựng của Hyundai nổi tiếng về bảo thủ và cứng rắn, muốn sửa chữa cái mà ông mô tả là những ưu tiên nhầm lẫn của các chính quyền trước đây. Trong một cuộc họp gần đây với New Beginnings - một nhóm các chuyên gia chính sách Mỹ về Hàn Quốc, ông Lee dường như quyết tâm dành ưu tiên cho liên minh với Mỹ, yêu cầu Triều Tiên có đi có lại, ngừng các nhượng bộ lớn về kinh tế đối với Bình Nhưỡng cho tới khi nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân, và hoạch định một vai trò toàn cầu tham vọng hơn cho Hàn Quốc.
Hợp tác
Chắc chắn Washington sẽ hoan nghênh các ưu tiên nói trên của ông Lee. Câu hỏi khó hơn là liệu Washington có thể hợp tác hiệu quả với ông để biến những mục tiêu chung thành các kết quả vững chắc hay không? Con đường đi tới thành công buộc hai bên phải vượt qua ba thách thức sau:
Thứ nhất, về vấn đề hạt nhân, các cuộc đàm phán song phương với Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy tiến bộ về ngoại giao. Cũng có cả những nguy cơ. Quan hệ Mỹ-Nhật ngày càng nguội và các quan chức Nhật thỉnh thoảng phàn nàn về ’’những sự phản bội’’ của Mỹ trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên (vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc). Triều Tiên đã không ngừng tìm cách sử dụng các cuộc đàm phán này để chia rẽ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Thành công trong các cuộc đàm phán sáu bên đòi hỏi sự phối hợp về ngoại giao giữa Mỹ và các nước láng giềng của Triều Tiên - đặc biệt là với Hàn Quốc.
Trong quá khứ, dường như các tổng thống Hàn Quốc lo lắng ít hơn về các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên và lo lắng nhiều hơn về các phản ứng của Mỹ trước những hoạt động này. Ngày nay, có nguy cơ rằng phe bảo thủ ở Hàn Quốc có thể lo ngại Washington cuối cùng sẽ chấp nhận vị thế hạt nhân mới của Triều Tiên. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể thành công nếu chính phủ Mỹ và Hàn Quốc không hợp tác chặt chẽ với nhau. Điều này đòi hỏi hai bên cần tin tưởng lẫn nhau trong các cuộc tư vấn song phương.
Thứ hai, việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (FTA) là một công việc quan trọng song vẫn còn dang dở. Dường như ông Lee sẵn sàng nối lại việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ (Hàn Quốc tạm ngừng nhập thịt bò Mỹ do lo ngại về bệnh bò điên) - hành động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quốc hội Mỹ thông qua FTA.
Điều không may là các ứng viên tổng thống Mỹ đang thu hút các cử tri bằng cách hứa hẹn phản đối hoặc tái đàm phán một số FTA với nước ngoài - hành động mà sau này có thể họ sẽ nuối tiếc. Các quyền lợi chiến lược và thương mại của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đang bị đe dọa. Mỹ muốn tăng xuất khẩu nhiều hơn nữa thông qua FTA trong khi Hàn Quốc hy vọng mở cửa hơn nữa thị trường nội địa sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, cả hai bên sẽ được lợi rất nhiều khi FTA được thông qua. Không hoàn tất được FTA sẽ là một trở ngại lớn trong quan hệ hai nước.
Thách thức thứ ba là nguy cơ bất đồng chính trị giữa chính phủ Hàn Quốc và chính quyền mới của Mỹ. Trong tám năm qua, Mỹ nằm dưới sự lãnh đạo của một trong những chính quyền bảo thủ nhất, trong khi Hàn Quốc được lãnh đạo bởi tổng thống tự do nhất. Có lẽ sai lầm là khó tránh khỏi song hai bên ít ra cũng đã ký kết được các thỏa thuận hợp tác về thương mại cũng như quân sự.
Giờ đây, Hàn Quốc có một tổng thống bảo thủ trong khi Mỹ dường như đang di chuyển theo hướng ngược lại. Do vậy, ít có khả năng hai bên sẽ hội tụ về chính trị. Tuy nhiên, các quyền lợi chung giữa Mỹ và Hàn Quốc về mở rộng thương mại, hiện đại hóa liên minh và phương cách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên còn lớn hơn cả chính trị đảng phái. Đã tới lúc hai bên tận dụng những cơ hội mới này.
-
Minh Sơn (tổng hợp)