Lo ngại của Nga về kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ tại Đông Âu sẽ chỉ được giảm nhẹ nếu các sĩ quan Nga được phép thường trực tại các cơ sở đặt radar và tên lửa đánh chặn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hôm 8/4.
Nga coi lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu là mối đe dọa đối với an ninh Nga và tranh cãi về vấn đề này đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh tới nay. Tuy nhiên, Moscow đã nhất trí xem xét một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin mà Washington đưa ra nhằm giảm nhẹ các mối quan ngại của Nga.
Ngoại trưởng Nga (Ảnh: FoNet)
’’Trong tất cả những đề xuất này, chúng tôi chỉ quan tâm tới hai điều: sự thường trực của các sĩ quan Nga và công nghệ giám sát đáng tin cậy tại các địa điểm đặt lá chắn tên lửa. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là chúng tôi biết được từng giây radar đang hướng về đâu và điều gì đang xảy ra tại căn cứ radar ở CH Séc’’, ông Lavrov nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Ekho Moskvy.
Ông Lavrov cho biết yêu cầu trên là một bất đồng trong các cuộc đàm phán với Washington về kế hoạch lá chắn tên lửa này. ’’Trong các đề xuất mà chúng tôi nhận được từ các nhà đàm phán Mỹ... không có đề xuất nào về sự thường trực. Các đề xuất chỉ nói rằng các sĩ quan có thể được triển khai tại các đại sứ quán Nga ở Ba Lan và CH Séc và họ làm việc tại các địa điểm này trên cơ sở trao đổi’’. Ông Lavrov nói rằng nếu các sĩ quan Nga không được thường trực tại các địa điểm này ’’toàn bộ nỗ lực xây dựng lòng tin chẳng có nghĩa lý gì’’.
Đáp lại những lời bình luận của ông Lavrov, Thứ trưởng Ngoại giao CH Séc Tomas Pojar nói rằng ’’Một sự thường trực không phải là việc mà chúng tôi sẽ xem xét. Nếu Nga thực sự quan tâm tới sự minh bạch, có thể đảm bảo việc đó bằng cách kết hợp nhiều phương pháp... Chúng tôi đã đề xuất để các sĩ quan liên lạc tiếp cận với căn cứ radar này’’, ông Pojar nói.
Mỹ dự định triển khai một trạm radar tại CH Séc và các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan. Washington nói rằng lá chắn tên lửa này là cần thiết để chống lại các cuộc tấn công từ những quốc gia thù địch, chẳng hạn như Iran. Moscow cho rằng trạm radar sẽ được sử dụng để giám sát lãnh thổ Nga và gọi kế hoạch của Mỹ là mối đe dọa đối với sự cân bằng lực lượng mong manh tại châu Âu.
Một hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Bush hôm 6/4 đã không giải quyết được những bất đồng chính về lá chắn tên lửa này. Tuy nhiên, ông Putin nói rằng ông cảm thấy Washington đã lắng nghe những mối quan ngại của Nga và hy vọng các biện pháp xây dựng lòng tin sẽ góp phần làm giảm bớt những lo ngại đó.
-
Minh Sơn (theo Reuters)