221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1051171
Dai dẳng bất đồng giữa Bush và Putin
1
Article
null
Dai dẳng bất đồng giữa Bush và Putin
,

Tổng thống Bush và Tổng thống Nga Putin hôm 4/4 đã tuyên bố không có Chiến tranh lạnh song các mâu thuẫn về an ninh vẫn còn tồn tại. Tuyên bố này được đưa ra khi hai lãnh đạo chuẩn bị hội đàm trực tiếp lần cuối cùng trên cương vị là tổng thống.

c
Tổng thống Bush và Putin nói chuyện trong bữa tối tại Bucharest (Reuters)

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Nato bế mạc tại Bucharest, ông Bush đã bay sang Croatia trước khi tới Nga vào ngày 5/4 để hội đàm với người đồng cấp Putin. Như vậy, hai nhà lãnh đạo này gặp nhau ba lần trong vòng ba ngày, khép lại một mối quan hệ kéo dài gần một thập kỷ.

Ông Putin sẽ từ chức tổng thống vào tháng 5 trong khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush sẽ kết thúc vào tháng 1/2009. Tuy nhiên, ông Bush và ông Putin vẫn bất đồng về việc Nato để ngỏ cánh cửa kết nạp Grudia và Ukraine cũng như bất đồng về kế hoạch tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Đông Âu.

Mặc dù vậy, trong cuộc họp với các lãnh đạo Nato bên lề hội nghị thượng đỉnh Nato tại Romania, ông Putin đã bác bỏ những luận điệu rằng thế giới đang rơi vào tình trạng chia rẽ Đông-Tây mới. Lãnh đạo Nga này nói với các phóng viên rằng thông điệp mà ông gửi tới ông Bush và các lãnh đạo khác là ’’chúng ta hãy là bạn bè và đối thoại nghiêm túc’’.

Trong cuộc gặp riêng với ông Putin, ông Bush nói rằng ông và Tổng thống Putin là ’’hai con ngựa chiến già nua’’, chuẩn bị từ chức. Ông Bush cũng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và nói rằng Nga không phải là kẻ thù.

Ông Putin dường như nghi ngờ mục đích của Nato trong thời kỳ hậu Liên Xô, ngay cả khi ông nhấn mạnh Nga sẵn sàng hợp tác với liên minh quân sự này nếu các lãnh đạo Nato lắng nghe những mối quan ngại của Nga. ’’Sự hợp tác của chúng ta có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc các thành viên Nato tính tới các quyền lợi của Nga’’, ông Putin nói.

Tổng thống Putin đã mạnh mẽ chỉ trích các kế hoạch mở rộng Nato sang phía đông mà ông Bush và nhiều thành viên Nato khác ủng hộ. Ukraine và Grudia - hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - không được Nato kết nạp lần này song các lãnh đạo Nato nói rõ rằng cuối cùng hai nước sẽ gia nhập Nato. Triển vọng đó khiến Moscow tức giận.

’’Sự hiện diện củu khối quân sự hùng mạnh này ở biên giới của chúng tôi sẽ được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Nga. Tôi đã nghe họ nói hôm nay rằng việc mở rộng Nato không nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, điều quan trọng là tiềm năng chứ không phải ý định’’, ông Putin nói.

Cuộc gặp của ông Bush tại nhà nghỉ của ông Putin ở khu nghỉ mát Sochi trên bờ biển Đen vào ngày 5 và 6/4 có lẽ là cuộc gặp cuối cùng của hai lãnh đạo này trên cương vị là tổng thống. Cuộc gặp diễn ra sau khi ông Bush giành được sự ủng hộ của Nato về kế hoạch lá chắn tên lửa Đông Âu bất chấp sự phản đối của Nga. Theo kế hoạch này, 10 tên lửa đánh chặn sẽ được đặt ở Ba Lan và một trạm radar được đặt ở CH Séc.

Tuy nhiên, ông Bush đã thua, ít nhất là vào lúc này, khi tranh luận về việc kết nạp Ukraine và Grudia vào Nato - kế hoạch cũng bị ông Putin kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, ông Bush đã nhận được cam kết bằng văn bản từ các đồng minh Nato, gồm Đức và Pháp - hai nước chia sẻ mối quan ngại của Nga, rằng Grudia và Ukraine sẽ được kết nạp trong tương lai.

Ông Putin nói rằng ông và ông Bush sẽ thảo luận chi tiết hơn về lá chắn tên lửa Đông Âu tại Sochi. ’’Hôm nay chúng tôi đã đề cập sơ qua về vấn đề lá chắn tên lửa. Tôi nghĩ các cuộc thảo luận chính với Mỹ sẽ là ngày mai khi Tổng thống Mỹ tới Sochi và ngày hôm sau, khi chúng tôi có các cuộc thảo luận rộng hơn’’, ông Putin nói.

Washington đã đưa ra các đề xuất thỏa hiệp về lá chắn tên lửa này, chẳng hạn như cho phép các chuyên gia quân sự Nga thanh sát các địa điểm đặt tên lửa đánh chặn và trạm radar ở Ba Lan và Séc, cũng như không kích hoạt hệ thống này cho tới khi có bằng chứng về một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Theo các nhà ngoại giao, hai bên có thể đạt được tiến bộ về những đề xuất nói trên tại Sochi mặc dù Moscow chắc sẽ không từ bỏ hoàn toàn sự phản đối hệ thống tên lửa phòng thủ này. Phát biểu tại Bucharest, ông Putin đã mô tả lá chắn tên lửa Đông Âu, cùng với các vấn đề như Kosovo và sự mở rộng của Nato, là những nhân tố ’’không cải thiện được lòng tin trong mối quan hệ của chúng ta’’.

Ông Putin nói rằng lá chắn này là bằng chứng về việc sức mạnh quân sự của phương Tây đang tiến sát các đường biên giới Nga. ’’Chúng tôi đã đóng cửa các căn cứ của chúng tôi tại vịnh Cam Ranh, ở Cuba, chúng tôi cũng rút các căn cứ ra khỏi Đông Âu. Và chúng tôi đã được gì? Đó là các căn cứ Mỹ ở Romania, ở Bulgaria và lá chắn tên lửa của Mỹ ở CH Séc và Ba Lan. Đây là sự di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự tới biên giới của chúng tôi’’, ông Putin nói.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,