Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gọi đây là "sự tán thành mang tính đột phá" đối với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Bush (thứ 4 từ bên trái) cùng các lãnh đạo khác của NATO chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại phiên họp của khối ở Bucharest hôm 3/4 (Ảnh AP)
"Hiện các thành viên thuộc liên minh đã hiểu rõ ràng là những thách thức, hiểm họa của thế kỉ 21 khiến việc xây dựng lá chắn tên lửa giúp bảo vệ các nước ở châu Âu trở nên cần thiết", bà Rice phát biểu trước các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh NATO "cũng nên yêu cầu Nga chấm dứt những chỉ trích về nỗ lực của khối và tham gia vào những nỗ lực hợp tác mà Mỹ đã đề xuất với nước này". Nga hiện vẫn cực lực phản đối dự án phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu.
Một tuyên bố mới đưa ra của NATO kêu gọi các thành viên trong liên minh khảo sát những biện pháp mà kế hoạch lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một trạm radar tại CH Czech của Mỹ có thể nối kết với những lá chắn tên lửa tương lai ở những nơi khác. Tuyên bố cũng cho biết các lãnh đạo NATO cần phải mang đến những đề xuất để thảo luận tại cuộc họp tiếp theo của họ vào năm 2009.
Tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Ngoại trưởng CH Czech Karel Schwartzenberg tiết lộ các cuộc đàm phán với người Mỹ đã hoàn tất một cách thành công và rằng một thỏa thuận về lá chắn tên lửa giữa hai nước sẽ được kí kết vào đầu tháng 5.
Ba Lan hiện vẫn chưa nhất trí với dự án phòng thủ tên lửa của Washington. Tuy nhiên, các cuộc thương thuyết giữa các quan chức Ba Lan và Mỹ đã được xúc tiến tại Warsaw hôm 3/4.
Giới quan sát bình luận rằng những tiến triển về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể là thắng lợi lớn nhất của ông Bush tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Sự hậu thuẫn của NATO cùng tuyên bố của CH Czech đã mang tới cho lãnh đạo Nhà Trắng ưu thế trong các cuộc đàm phán với Moscow về vấn đề này.
Ông Bush dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Putin hai lần trong tuần này tại cuộc họp của NATO và tại Sochi, Nga vào chủ nhật (6/4). Trong những ngày gần đây, các quan chức Nhà Trắng đã có những phát biểu lạc quan rằng cuộc tiếp xúc vào cuối tuần này giữa hai vị tổng thống có thể tháo gỡ bế tắc về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Bà Rice bày tỏ hy vọng rằng ông Bush và ông Putin sẽ đạt được sự đồng thuận về một khuôn khổ hợp tác song phương. Dẫu vậy, người ta vẫn chưa rõ liệu hai nguyên thủ có đi đến một thỏa thuận về lá chắn tên lửa hay không. Chính quyền Bush đã tìm mọi cách xoa dịu những lo ngại của giới cầm quyền Nga rằng hệ thống phòng thủ tại Đông Âu là một hiểm họa đối với nước này.
Thành công kèm thất bại
Về vấn đề Afghanistan, ông Bush cũng nhận được một cam kết điều thêm quân tới những vùng nguy hiểm nhất của quốc gia Nam Á. Tổng thống Pháp Sarkozy hứa sẽ cử thêm gần 1.000 binh sĩ nữa tới khu vực phía đông Afghanistan, giúp một số lính Mỹ có thể điều chuyển về phía nam.
Canada từng đe dọa sẽ rút quân khỏi khu vực bất ổn phía nam Afghanistan, vùng tiền tuyến trong cuộc chiến chống những phần tử gây bạo loạn Taliban và Al-Qaida, trừ phi họ nhận được sự hỗ trợ của 1.000 binh sĩ từ một nước đồng minh.
Trong khi đó, về việc mở rộng NATO, vị tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm vào đầu năm sau đã thất bại nặng nề trong nỗ lực ngoại giao khi liên minh từ chối kết nạp Ukraine và Grudia. Lo sợ va chạm với Moscow, các lãnh đạo khác của NATO đã bác bỏ yêu cầu của ông Bush về việc khởi động tiến trình gia nhập khối của hai quốc gia từng thuộc LB Xô viết cũ.
Tuy nhiên, Stephen Hadley - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush, tiết lộ ông đã lên kế hoạch vận động mới cho Ukraine và Grudia gia nhập NATO trước khi rời Nhà Trắng vào tháng 1/2009. Theo ông Hadley, Mỹ dự kiến sẽ đề cập tới vấn đề này tại một cuộc họp của các ngoại trưởng của khối vào tháng 12.
Ông Bush cũng đã bày tỏ sự nuối tiếc vì NATO từ chối trao cho Macedonia tư cách thành viên chính thực tại hội nghị ở Bucharest. Hy Lạp đã cản trở đề xuất này với lý do tên của Macedonia hàm chỉ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một vùng phía bắc của Hy Lạp, cũng tên là Macedonia.
NATO hiện bao gồm 26 quốc gia thành viên. Albania và Croatia đã được mời gia nhập khối.
-
Thanh Bình (Theo AP, Reuters, BBC, AFP)