Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc khẳng định, Indonesia cần được trợ giúp nhiều hơn để kiểm soát dịch cúm gia cầm.
(Ảnh AP) |
Phụ trách công tác thú y của FAO đã bày tỏ quan ngại rằng, thất bại trong việc ngăn chặn bệnh dịch có thể khiến virus cúm gia cầm biến thể và gây ra "đại dịch cúm ở người’’. Cho tới thời điểm hiện tại, những trường hợp tử vong đều được cho rằng do tiếp xúc với gia cầm bệnh.
"Tỉ lệ người tử vong do cúm gia cầm ở Indonesia là cao nhất thế giới và sẽ còn nhiều người khác bị mắc nếu chúng ta không tập trung nhiều hơn vào việc ngăn chặn và kiểm soát bệnh dịch từ gia cầm’’, ông Joseph Domenech nói. "Tình hình cúm gia cầm ở Indonesia thực sự nguy hiểm, tất cả đối tác quốc tế và chính quyền quốc gia cần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực ngăn chặn dịch cúm lan rộng trong gia cầm, coi nhiệm vụ chống virus gia cầm là ưu tiên hàng đầu’’.
Ông Domenech cùng cảnh báo rằng về khả năng virus biến thể có thể dễ lây cúm từ người sang người. "Tôi thực sự lo lắng rằng, sự lây lan virus với mức độ cao trong gia cầm ở nước này có thể tạo điều kiện để virus biến thể và cuối cùng gây nên đại dịch ở người’’.
Theo ông Domenech, các đội kiểm tra giám sát và phản ứng nhanh đang làm việc ở 193 trong 448 quận tại Indonesia. Hiện gia cầm trong 31/33 tỉnh ở nước này đã mắc cúm. Đến tháng 6/2008, hơn 2.000 tổ giám sát và phản ứng sẽ được triển khai hơn 300 quận - những nơi xảy ra dịch cúm. Nhưng ông Domenech khẳng định đó là không đủ.
"Indonesia đang đối mặt với quá nhiều thách thức trong cuộc chiến chống lại virus cúm gia cầm. Nguồn lực con người và tài chính, cam kết chính trị mạnh mẽ và hợp tác tốt hơn giữa chính quyền trung ương, tỉnh, quận... là điều cần thiết để cải thiện các biện pháp giám sát và kiểm soát’’, ông Domenech nói.
Kể từ lần bùng phát đầu tiên vào năm 2003, cúm gia cầm đã lây lan nhanh chóng từ Java tới Bali, Kalimantan và Sumatra. Năm 2006, virus cúm còn lan sang các tỉnh phía đông như Papua và Sulawesi.
- Kỳ Thư (Theo BBC)