Tổng thống Mỹ khẳng định ông đã không do dự khi phát động cuộc chiến Iraq dù "tổn thất lớn về người và của". Nhà lãnh đạo này lập luận, nếu Mỹ rút quân vào lúc này thì Iran sẽ được khuyến khích và Al Qeada sẽ được cấp tiền để mua vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm tấn công nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ sẽ đánh dấu mốc 5 năm cuộc chiến Iraq vào hôm 19/3 với một bài phát biểu tại Lầu Năm Góc. Đoạn trích của bài diễn văn đã được Nhà Trắng công bố vào đêm ngày 18/3 (tức 19/3 giờ VN).
TT Bush (Reuters)
Ít nhất 3.990 thành viên quân đội Mỹ đã bỏ mạng từ khi chiến tranh Iraq bắt đầu bùng nổ năm 2003. Cuộc chiến này của tiêu tốn của người Mỹ khoảng 500 tỷ USD và ước tính con số cuối cùng sẽ còn cao hơn nhiều. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph E.Stiglizt và chuyên gia tài chính công Linda Bilmes ước tính, tổng số tiền mà Mỹ phải bỏ ra là 3 nghìn tỷ khi mọi khoản chi, gồm cả số tiền chăm sóc dài hạn cho các cựu binh, được tính toán.
Đảng Dân chủ lại đưa ra một quan điểm khác với Tổng thống Bush.
"Trong sự kiện quan trọng này, có một điều đáng nhớ là làm thế nào mà chúng ta lại rơi vào tình trạng này, và hãy nghĩ làm thế nào tốt nhất để thoát khỏi nó", nghị sĩ John Dingell của đảng Dân chủ nói. "Những nhiệm vụ còn lại ở Iraq như chấm dứt xung đột phe phái, bày ra một cách phân chia quyền lực chính trị và tạo ra một chính phủ có khả năng cung cấp những nhu cầu cần thiết cho người dân Iraq là những việc chỉ có người dân Iraq mới có thể hoàn tất".
Trong bài phát biểu, Tổng thống Bush nhắc lại quyết tâm tiến hành một cuộc chiến. "Những thành công mà chúng ta có thể thấy ở Iraq là không thể chối bỏ, dù vậy, tại Washington vẫn có một số người kêu gọi rút quân", Tổng thống nói. "Các nhà chỉ trích chiến tranh không còn có thể nói rằng chúng ta đang thua ở Iraq, vì vậy, hiện giờ họ cho rằng chiến tranh tốn quá nhiều tiền. Trong vài tháng gần đây, chúng ta đã nghe nhiều thông tin phóng đại về phí tổn chiến tranh.
Không ai có thể lập luận rằng cuộc chiến này không gây tổn thất lớn về người và của nhưng đây là những phí tổn cần thiết khi chúng ta cho rằng đó là phí tổn cho một chiến lược để chiến thắng kẻ thù tại Iraq".
Người đứng đầu Nhà Trắng đã thách đố thành công nỗ lực của đảng Dân chủ, hiện nắm đa số tại Hạ viện, trong việc phải rút quân khỏi Iraq hoặc đặt ra một hạn chót cho việc rút quân. Nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Bush sẽ phê chuẩn đề xuất của Tướng David Petraeus, tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq, về việc sẽ không cắt giảm thêm quân, ngoài kế hoạch đã định, ít nhất là cho tới tháng 9.
Mỹ hiện duy trì 158.000 quân tại Iraq, con số này có thể giảm xuống 140.000 vào mùa hè năm nay.
AP
"Nếu chúng ta cho phép kẻ thù của mình thắng thế tại Iraq, bạo lực hiện giờ đã giảm xuống sẽ lại tăng cao và Iraq có thể rơi vào bất ổn. Al Qaeda sẽ giành lại những khu vực mà chúng đã mất và lập nên những căn cứ mới để kích động bạo lực và khủng bố, để nó lây lan ra ngoài biên giới Iraq, gây hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế thế giới.
Ngoài việc gây rối Iraq, phong trào nổi dậy có thể được khuyến khích bằng những tân binh, những nguồn lực mới và thậm chí chúng sẽ quyết tâm thống trị khu vực và gây hại cho nước Mỹ. Nếu Al Qaeda dược tiếp cận nguồn dầu Iraq, lực lượng này có thể theo đuổi tham vọng là nắm trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước Mỹ và những quốc gia tự do khác. Iran cũng được khuyến khích với quyết tâm mới là phát triển vũ khí hạt nhân và áp đặt sự bá chủ lên khắp Trung Đông. Và kẻ thù của chúng ta sẽ coi sự thất bại của Mỹ tại Iraq là bằng chứng về yếu kém và thiếu quyết tâm".
Nhìn lại những gì đã diễn ra, Tổng thống Bush nói: "Đã 5 năm kể từ khi chiến tranh nổ ra, đã có một cuộc tranh cãi có thể hiểu được rằng liệu phát động cuộc chiến đó là có xứng đáng không, liệu chúng ta có thể thắng. Với tôi, câu trả lời rất rõ ràng: Đánh đổ Saddam Hussein là quyết định đúng đắn và đó là cuộc chiến mà Mỹ có thể phát động và phải thắng".
-
Hoài Linh (Theo AP, CNN)