Tổng thống Serbia Boris Tadic hôm nay (13/3) đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 11/5 tới. Đây được coi là cuộc bầu cử quan trọng nhất của Serbia kể từ sự sụp đổ của chính quyền Milosevic năm 2000.
Tổng thống Serbia Boris Tadic (Ảnh Reuters)
Chính phủ liên minh ở Serbia giải thể hồi cuối tuần trước sau 10 tháng lên nắm quyền. Thủ tướng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Vojislav Kostunica đổ lỗi biến cố này cho sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh giữa đảng của ông với đảng thân phương Tây của Tổng thống Tadic về vấn đề độc lập của Kosovo và việc Serbia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ông Tadic, người đứng đầu đảng Dân chủ, ra tuyên bố khẳng định: "Bầu cử là một biện pháp dân chủ để các công dân bày tỏ ý kiến về việc Serbia nên phát triển như thế nào trong những năm tới".
Theo vị tổng thống đương nhiệm, các vòng bỏ phiếu sẽ tạo ra "cơ hội mới để tăng cường chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta cũng như củng cố triển vọng kinh tế của của chúng ta thông qua hội nhập EU ... và thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp hơn".
Ông Tadic yêu cầu các chiến dịch vận động tranh cử phải được tiến hành một cách công bằng, trong bầu không khí dân chủ và hòa bình nhằm giúp Serbia có được các cơ quan hoạt động hiệu quả.
Theo giới quan sát, các vòng bỏ phiếu lần này sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa đảng Dân chủ của Tổng thống Tadic với đảng Cấp tiến (SRS) theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. RSR hiện là đảng mạnh nhất tại Serbia và ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri nhờ sự bất bình của người dân nước này đối với việc phương Tây ủng hộ tuyên bố ly khai của Kosovo hồi tháng trước.
Người Albania chiếm đa số tại Kosovo đã đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia hôm 17/2. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Serbia và nước đồng mình Nga, Mỹ và 18 trên tổng số 27 quốc gia thành viên EU đã công nhận Kosovo độc lập.
Phe Dân chủ ở Serbia đã coi cuộc tổng tuyển cử sắp tới là cuộc trưng cầu dân ý về một câu hỏi trọng yếu: Liệu người Serbia có tiến tới gia nhập EU ngay cả khi liên minh này hậu thuẫn sự ly khai của một tỉnh trực thuộc nước này.
Trong khi đó, các chính khách SRS dự kiến sẽ tập trung chiến dịch vận động của họ vào vấn đề Kosovo, lợi ích của mối quan hệ gần gũi với các cường quốc ngoài EU như Nga cũng như sự thất bại của các chính phủ thân phương Tây trong việc thực hiện cam kết đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân suốt 8 năm qua.
-
Thanh Bình (Theo AP, Reuters, CNN)