Serbia ngày 12/3 hứa không trừng phạt nền kinh tế yếu ớt của Kosovo bằng một lệnh cấm vận dù phản đối vùng đất của người Albania tuyên bố độc lập.
"Lợi ích sống còn của chúng tôi là mọi cộng đồng ở Kosovo cùng chung sống thịnh vượng trong hòa bình, an ninh và hòa giải như những người láng giềng trong một xã hội tiến bộ tràn ngập hy vọng và tha thứ.
Người Serbia tại Kosovo (Reuters)
Đó là lý do tại sao Serbia không muốn áp đặt một lệnh cấm vận. Ngoài ra, nó cũng là câu trả lời cho việc tại sao chúng tôi có một chính sách rõ ràng về việc không dùng tới vũ lực đối với Kosovo", Vuk Jeremic, ngoại trưởng Serbia phát biểu tại Hội đồng Bảo An LHQ.
Trước khi Kosovo tuyên bố độc lập, Belgrade cảnh báo sẽ dùng tất cả các biện pháp kinh tế, chính trị và ngoại giao để ngăn ngừa Kosovo ly khai.
Hội đồng Bảo An LHQ với 15 thành viên đã lâm vào bế tắc suốt cả tháng qua về vấn đề Kosovo do Nga, đồng minh của Serbia, bất đồng với các thành viên thường trực khác như Anh, Pháp, Mỹ - những nước ủng hộ Kosovo độc lập.
Hiện, không phải toàn bộ 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều công nhận Kosovo độc lập nhưng tổ chức này đã triển khai một sứ mệnh giám sát những tiến bộ của Kosovo với tư cách là một quốc gia độc lập.
Việc Belgrade để mất Kosovo đã hủy hoại chính phủ liên minh của Serbia. Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Vojislav Kostunica nói, chính phủ không thể tiếp tục tại nhiệm với mục tiêu gây xung đột là bảo vệ Kosovo và gia nhập EU. Bộ máy lãnh đạo này bị giải tán hôm 10/3, mở đường cho bầu cử Quốc hội vào tháng 5.
Nga, nước chủ tịch hiện thời của Hội đồng Bảo An LHQ, đã ra một dự thảo về việc lên án Kosovo độc lập. Bản dự thảo đã nhận được sự thừa nhận lịch thiệp từ Nga và Mỹ, dù hai nước này tuyên bố sẽ tình hình sẽ không có gì thay đổi và HĐBA vẫn trong tình trạng bế tắc.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)