Cuộc khủng hoảng ở Pakistan ngày càng trở nên sâu sắc hơn sau khi hai vụ đánh bom liều chết hôm 11/3 làm 24 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương tại thành phố Lahore tương đối yên bình. Các vụ đánh bom này cũng gia tăng áp lực buộc chính phủ mới đối thoại nhiều hơn với các chiến binh cực đoan.
Đây là hành động khủng bố quy mô lớn đầu tiên kể từ khi cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto tuyên bố thành lập một chính phủ liên minh nhằm giảm quyền lực của Tổng thống Musharraf - một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tòa nhà Cơ quan điều tra liên bang sau khi bị đánh bom (AFP)
Hai vụ tấn công liều chết hôm 11/3 xảy ra cách nhau chừng 15 phút tại hai khu vực khác nhau của Lahore. Vụ đánh bom thứ nhất phá hủy mặt tiền của tòa nhà Cơ quan điều tra liên bang cao 7 tầng khi các nhân viên ở đây bắt đầu ngày làm việc của họ. Chiếc xe chở đầy thuốc nổ đã xâm nhập qua cổng an ninh, tiến vào bãi đỗ và phát nổ gần tòa nhà. 21 người đã thiệt mạng, trong đó có 16 cảnh sát, và hơn 200 người bị thương.
Vụ nổ thứ hai gần như san bằng văn phòng của một hãng quảng cáo cách đó khoảng 24km. Ba người thiệt mạng trong đó có hai trẻ em.
Các quan chức từ chối bình luận liệu vụ đánh bom thứ hai có phải nhằm vào dinh thự tại Lahore của ông Asif Ali Zardari - chồng của bà Bhutto hay không. Dinh thự đó nằm cách địa điểm đánh bom khoảng 50m. Vào lúc xảy ra vụ tấn công, ông Zardari đang ở Islamabad.
Tổng thống Musharraf đã nhanh chóng lên án các vụ đánh bom ’’thù địch’’ này, đồng thời tuyên bố sẽ huy động mọi lực lượng để tiếp tục chống khủng bố.
Với các cuộc tấn công như vậy hiện đang lây lan từ các vùng bộ tộc bất kham tới Lahore, ngày càng nhiều người Pakistan hoài nghi về biện pháp chống al-Qaeda và Taliban của ông Musharraf. Những người phản đối Musharraf cho rằng hành động quân sự mạnh tay chỉ làm gia tăng bạo lực mà thôi.
Các đảng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hôm 18/2 đã cáo buộc ông Musharraf làm mất ổn định Pakistan bằng các chiến dịch quân sự chống lại những chiến binh ở gần biên giới với Afghanistan và thậm chí cho rằng các lực lượng thù địch đang tìm cách phá hoại việc Pakistan quay trở lại dân chủ.
’’Ông ta đã tiến hành các chiến dịch quân sự bừa bãi tại các vùng bộ tộc, gây ra những rạn nứt mới trong xã hội Pakitan. Nếu ông ta không từ chức, các nhóm này sẽ luôn có lý do để tiếp tục các hoạt động như vậy’’, phát ngôn viên Ahsan Iqbal của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông Sharif nói.
Phát ngôn viên Javed Iqbal Cheema thuộc Bộ Nội vụ Pakistan cho biết có thể ’’bọn khủng bố đang tìm cách gây áp lực tối đa lên chính phủ sắp được thành lập’’ để chính phủ này nhẹ tay hơn đối với chúng. Ông nói rằng Pakistan đối mặt với một kẻ thù ’’không tên, không mặt và có những kẻ đang hoạt động theo các nhóm nhỏ’’. Ông đã từ chối chỉ tên bất kỳ nhóm nào bị nghi ngờ dính líu tới các cuộc tấn công hôm 11/3.
Phát ngôn viên Farhatullah Babar của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cũng nhất trí rằng vụ khủng bố dường như là một thông điệp gửi tới ông Zardari và đảng PPP ’’nhằm ngăn cản họ theo đuổi cuộc đấu tranh dân chủ’’. Tuy nhiên, Babar nghi ngờ sự dính líu của một số quan chức tình báo và quân đội Pakistan có sự cảm thông với các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hợp tác với chính phủ mới của Pakistan. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Richard Boucher cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của chính quyền Bush là tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của Pakistan.
Quốc hội mới của Pakistan sẽ họp phiên đầu tiên vào thứ hai tới. Phát ngôn viên của ông Sharif cho biết các nghị sĩ sẽ nhanh chóng thảo luận về một chính sách mới chống khủng bố. Ông Sharif đã kêu gọi đánh giá lại cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi đối thoại nhiều hơn với các chiến binh để ngăn chặn các hoạt động bạo lực. Cả ông và ông Zardari đã gặp gỡ các quan chức Mỹ để thảo luận về chính sách an ninh.
Kamran Shafi, một nhà phân tích chính trị có uy tín, dự đoán chính phủ mới sẽ tìm cách tránh tiến hành các chiến dịch quân sự mạnh tay. Chính sách của họ sẽ là ’’Chúng ta phải nói chuyện với họ, họ là đồng bào của chúng ta, và thuyết phục họ tránh xa chủ nghĩa khủng bố. Nếu cần, chúng ta sẽ chiến đấu chống lại họ’’.
Ngay cả một số người ủng hộ ông Musharraf cũng đang kêu gọi xem xét lại cuộc chiến này. Mushahid Hussain, một thành viên cấp cao trong đảng của Musharraf, cho biết Pakistan đã đổ quân vào vùng biên giới với Afghanistan mà không được huấn luyện bài bản và không có chiến lược chấm dứt sự cô lập của vùng đói nghèo này, dẫn tới thiệt hại nặng nề cho quân đội và dân thường. Ông cho biết Mỹ đã phó mặc cuộc chiến chống khủng bố này cho Nato và Pakistan để tập trung vào Iraq và gần đây Mỹ mới nhận ra sai lầm này. ’’Điều quan trọng là xem xét lại chính sách chống khủng bố dựa trên sự tư vấn và nhất trí’’, ông Hussain nói.
-
Minh Sơn (theo AP)