221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1042807
Ông góa Bhutto: Từ nhà tù tới đỉnh cao chính trị
1
Article
null
Ông góa Bhutto: Từ nhà tù tới đỉnh cao chính trị
,

Asif Ali Zardari, chồng của cố Thủ tướng Benazir Bhutto, hiện ở đỉnh cao của chính trị Pakistan và ông đang có ý định trở thành thủ tướng nước này. Đó là sự trở lại bất ngờ của một người đã phải ở tù 11 năm vì tội tham nhũng và giết người, một trong những nhân vật bị tẩy chay nhiều nhất ở Pakistan.

c
Ông Zardari, Chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan

Chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 18/2 của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đã đưa ông Zardari, 51 tuổi, Chủ tịch PPP, trở thành chính trị gia có nhiều ảnh hưởng ở quốc gia Nam Á này. Vị trí của ông càng được củng cố khi tòa án chống tham nhũng hủy bỏ nhiều vụ kiện chống lại ông hồi tuần trước. Hai vụ án cuối cùng dự kiến cũng sẽ bị tòa bác bỏ trong tuần này.

Ngày nay, lo lắng lớn nhất của Zardari là sẽ chọn ai trong PPP làm thủ tướng - một quyết định mà người ta mong đợi ông sớm đưa ra.

Sự hồi sinh đột ngột của Zardari cho thấy Pakistan đã xoay trở thế nào giữa nhà cầm quyền quân sự và các chính phủ dân sự bị cáo buộc tham nhũng, và cách các quan chức tham nhũng có thể bị truy tố hoặc được giải tội, phụ thuộc vào các phương hướng chính trị.

Của chồng, công vợ

Bãi bỏ các vụ truy tố tham nhũng là một yêu cầu then chốt của bà Bhutto khi bà đàm phán quay trở về Pakistan sau 8 năm sống lưu vong, theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Mỹ hậu thuẫn nhằm bảo vệ vị trí của Tổng thống Musharraf. Tuy nhiên, chính ông Zardari lại tình cờ được hưởng lợi trong kế hoạch đó.

Với tên gọi Lệnh hòa giải dân tộc, thỏa thuận nói trên đã giải tội cho ông và tòa án Pakistan đã làm theo lệnh này hồi tuần trước.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngay trước khi các cuộc bầu cử diễn ra, ông Zardari dường như vô can với các vụ án tham nhũng và thực tế là ông vẫn đang được tại ngoại cùng 12 người khác bị buộc tội đồng lõa trong vụ sát hại anh vợ là Murtaza Bhutto. Bà Bhutto cho rằng vụ giết người này là âm mưu của các cơ quan tình báo Pakistan nhằm chia rẽ và làm suy yếu gia đình bà.

Ông Zardari đã nói rằng các vụ kiện chống lại ông mang động cơ chính trị. ’’Trước khi bà ấy qua đời, bà ấy đã đảm bảo rằng thế giới thừa nhận, tất cả mọi người thừa nhận rằng đó là những vụ kiện mang động cơ chính trị. Do vậy, tôi nghĩ tôi đã được giải tội’’, ông Zardari nói về bà Bhutto trong cuộc phỏng vấn.

Tham nhũng, rửa tiền, giết người...

Năm vụ kiện chống lại ông Zardari đã bị bác bỏ tuần trước. Trong những vụ kiện này, ông bị buộc tội nhận 10 triệu USD tiền lại quả từ một công ty nhập khẩu vàng, sử dụng sai trái công quỹ để xây dựng một sân polo tại dinh thự của thủ tướng ở Islamabad. Trong vụ công ty nhập khẩu vàng, Zardari bị cáo buộc nhận đút lót từ ARY International Exchange, một công ty vàng nén ở Dubai. Đổi lại, công ty này được cấp giấy phép độc quyền vào năm 1994 để nhập khẩu vàng trị giá hơn 500 triệu USD.

Theo một báo cáo về ngân hàng tư nhân và rửa tiền của Quốc hội Mỹ năm 1999, ông Zardari đã có hơn 40 triệu USD trong các tài khoản của Citibank. Khi mô tả vụ ARY, báo cáo này viện dẫn những thông tin rằng một số tài khoản Citibank của Zardari được sử dụng để ’’che đậy 10 triệu USD tiền lại quả trong vụ hợp đồng nhập khẩu vàng’’. Ông Zardari luôn phủ nhận những cáo buộc này và Giám đốc ARY, Abdul Razzak Yaqub, đã phủ nhận việc đưa hối lộ.

Một vụ kiện khác mà tòa án chống tham nhũng Pakistan đã bác bỏ liên quan tới những cáo buộc rằng ông Zardari đã nhận hoa hồng bất hợp pháp từ hai công ty Cotecna và Société Générale de Surveillance của Thụy Sĩ sau khi hai công ty này có được hợp đồng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trước khi vào Pakistan. Vụ này cũng đang được xét xử tại Thụy Sĩ.

Năm 2003, một thẩm phán Thụy Sĩ đã ra phán quyết vợ chồng Bhutto phạm tội rửa tiền và ra lệnh cho họ trả lại 12 triệu USD cho chính phủ Pakistan. Vợ chồng Bhutto đã kháng án, buộc các nhà chức trách Thụy Sĩ phải mở một cuộc điều tra mới và kết quả là họ lại đối mặt với những cáo buộc mới về rửa tiền. Zardari có nhiều vấn đề về sức khỏe và từ chối tham dự các phiên xét xử ở Geneva sau khi được phóng thích khỏi nhà tù năm 2004 với lý do ông quá ốm. Ông tiếp tục kháng án vụ này và vụ việc vẫn đang được tòa án phúc thẩm Thụy Sĩ xem xét.

Tại Anh, ông Zardari cũng đang đối mặt với một vụ án dân sự do dính líu tới một dinh thự rộng hàng trăm hecta ở miền Nam nước Anh, nơi ông đã vung tay chi tiền để nâng cấp. Chính phủ Pakistan đang tìm cách thu hồi số tiền mà Zardari đã sử dụng để mua dinh thự này với lý do đó là tài sản bất chính.

Những lời buộc tội tham nhũng chống Zardari bắt nguồn từ những hành động của ông trong hai nhiệm kỳ bà Bhutto làm thủ tướng. Trong thời kỳ này, ông Zardari được gọi là ’’Mr 10%’’ vì ông thường đòi lại quả từ các hợp đồng sau khi vợ ông nhậm chức năm 1988.

Bà Bhutto bị mất chức năm 1990 sau hai năm làm thủ tướng và ông Zardari phải bóc lịch 3 năm từ 1990 tới 1993 với tội danh tham nhũng. Những tội này chưa bao giờ được chứng minh. Trong nhiệm kỳ hai của bà Bhutto, từ 1993 tới 1996, ông nắm giữ nhiều quyền lực hơn khi làm bộ trưởng môi trường và đầu tư. Khi bà Bhuto bị Tổng thống lúc đó là  Farooq Leghari sa thải, ông Zardari một lần nữa bị bắt với tội danh tham nhũng.

Ông Zardari ở tù cho tới tháng 11/2004, bị thuyên chuyển qua các nhà tù ở Lahore, Rawalpindi và Karachi. Và ông luôn là người khéo mặc cả, cho dù ở trong tù hay ngoài song sắt. Zardari được xếp là tù nhân hạng A và nhận được một số đặc ân chẳng hạn như phòng giam riêng tách biệt với khu giam giữ tù nhân chính. Phòng này có nhà tắm, điều hòa và hai người phục vụ.

Luật sư Talib Rizvi, người thường thăm Zardari trong nhà tù, cho biết Zardari luôn tìm cách có được thức ăn ngon nhất và dường như luôn phấn chấn. "Tôi đã được thưởng thức một trong những bữa trưa ngon nhất trong đời tôi ở nhà tù đó. Zardari thường nhận đồ ăn từ nhà Clifton House, đủ cho 50 người", ông Rizvi nói, đề cập tới dinh thự của dòng họ Bhutto ở Karachi. Những món quà đắt tiền mà ông ấy gửi tặng bạn bè thường là đồ chế tác theo yêu cầu, bao gồm những cái khuy măng sét trị giá hàng nghìn đô la và vô số bút máy.

Theo Rizvi, mặc dù rất hào phóng với bạn bè song Zardari lại rất mạnh tay với kẻ thù. Rizvi nói rằng Zardari đã đề nghị tổ chức báo thù những kẻ đã bắn Rizvi tại vùng Baluchistan khi ông tới đó để biện hộ cho những người bị buộc tội giết một lãnh đạo bộ tộc. Sau đó, Rizvi nhớ lại: "Tôi đã nói rằng tôi sẽ không báo thù. Asif đáp lại ông ấy sẽ kết liễu bọn chúng".

Sau khi ra tù năm 2004 thông qua một thỏa thuận hòa giải giữa chính phủ của Musharraf và Bhutto, Zardari sống ở New York, tại tòa chung cư Helmsley Carlton sang trọng trên đại lộ Madison.

Dòm ngó chiếc ghế Thủ tướng

Theo bạn bè của Zardari, ông luôn ưa thích cuộc sống xa hoa. Azher Khan, bạn trung học của Zardari trong một khu vực nông nghiệp ở tỉnh Sindh, cho biết, Zardari là kẻ ăn chơi vào đầu những năm 1970 và có lợi thế bởi cha ông sở hữu rạp chiếu phim Bambina. Đầu những năm 1970, Zardari tới London. Tại đó, ông theo học tại Trường Kinh doanh London và nhận bằng cử nhân giáo dục, ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn.

Lý lịch chính thức của Zardari cho biết ông đã theo học một trường thương mại có tên là Trường Pedinton. Tuy nhiên, khi tìm kiếm các tổ chức giáo dục đại học ở London, không ai thấy trường nào có tên như vậy và bạn bè của Zardari nói rằng ông không học hành đến đầu đến đũa.

Câu hỏi liệu Zardari có bằng đại học hay không là một vấn đề nhạy cảm bởi Tổng thống Musharraf đã ký một đạo luật năm 2002. Luật này bắt buộc mọi ứng viên tranh cử vào quốc hội phải có bằng cử nhân để có thể hoàn thành cương vị đại diện cho cử tri. Hiện các đồng minh chính trị của Zardari mong đợi ông sẽ tranh cử vào quốc hội để sau đó có thể nắm giữ chức thủ tướng.

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, Zardari nói rằng ông không quan tâm tới chức thủ tướng bởi chức vụ này sẽ ’’rất hạn chế’’. Thay vào đó, ông muốn cải cách Đảng Nhân dân Pakistan. Được hỏi liệu ông có bằng đại học hay không, ông Zardari đáp lại rằng: ’’Tôi có bằng đại học. Đó không phải là một vấn đề’’. Ông cho biết thêm ông đã theo học tại Trường Kinh doanh London trước khi kết hôn. "Tôi nghĩ đó là một bằng cử nhân giáo dục. Thực ra tôi cũng chưa thực sự xem tấm bằng đó", ông nói.

Zardari, trẻ hơn Bhutto 3 tuổi, được mẹ của bà Bhutto chọn làm chồng cho con gái vào thời điểm khi bà Bhutto đang bước vào chính trường Pakistan. Họ được coi là đôi lứa xứng đôi bởi bà Bhutto tốt nghiệp ĐH Harvard và Oxford.

Ngay khi bà Bhutto lên nắm quyền, Zardari thường được coi là trở ngại trong sự nghiệp chính trị của bà. Ahmad Mukhtar, người từng là bộ trưởng thương mại trong nhiệm kỳ hai của bà Bhutto và dường như là ứng cử viên được ông Zardari ưa thích cho chức thủ tướng trong chính phủ liên minh mới hiện nay, nhớ lại đã nói với bà Bhutto rằng: ’’Có một chiến dịch tuyên truyền chống lại ông ấy và uy tín của chúng ta bị bôi đen do chiến dịch này. Lần tới nếu bà lên nắm quyền hãy gửi ông ấy tới chơi polo ở Argentina’’.

Tuy nhiên, Mukhtar cho biết ông trở nên thích Zardari khi họ cùng bóc lịch tại nhà tù ở Karachi. Mukhtar bị Chính phủ Musahrraf bắt giữ vào tháng 5/2000. Những lời cáo buộc ông được bãi bỏ 17 tháng sau đó.

Zardari là một trong hơn 12 người bị cáo buộc âm mưu giết Murtaza - anh trai của Bhutto. Theo luật sư Omar Sial của gia đình Bhutto, Murtaza là một chính trị gia phản đối cả hai vợ chồng Bhutto. Vụ án giết người này đã kéo dài 12 năm bởi Zardari và các bị cáo khác, chủ yếu là cảnh sát, không xuất hiện tại tòa.

"Ông ấy lấy lý do bị ốm nặng và không thể đi lại được. Sau đó, vợ ông ta chết, ông ta xuất hiện hoàn toàn khỏe mạnh và dường như đó là những lời nói dối", con gái Fatima Bhutto của Murtaza nói. Bà là người chỉ trích vợ chồng Bhutto.

  • Minh Sơn (theo IHT)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,