Chính phủ liên minh của Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica hôm nay (10/3) chính thức giải thể, mở đường cho việc tiến hành bầu cử Quốc hội sớm.
Quyết định giải tán được đưa ra tại một phiên họp nội các, sau tuyên bố hôm 8/3 của Thủ tướng Kostunica rằng chính phủ không thể tiếp tục tại nhiệm do mất đoàn kết sâu sắc về vấn đề Kosovo và việc tìm kiếm một chỗ đứng trong Liên minh châu Âu. "Chính phủ không còn thống nhất và không có đường lối hành động chung, do đó, nó không thể thực thi nhiệm vụ hiến pháp cơ bản, định hướng và dẫn dắt Serbia".
Thủ tướng Kostunica (Reuters)
Tổng thống Boris Tadic lúc này sẽ phải giải tán Quốc hội, ấn định ngày bầu cử - có thể là ngày 11/5. Đây sẽ là cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ khi các cử tri bỏ phiếu chấm dứt kỷ nguyên của ông Slobodan Milosevic vào năm 2000.
Bầu cử sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh sít sao giữa đảng Dân chủ và đảng Cấp tiến của những người theo chủ nghĩa dân tộc, đảng mạnh nhất ở Serbia.
Thủ tướng Kostunica đã rút lui sau khi cáo buộc đối tác trong liên minh là đảng Dân chủ và đảng G17 Plus từ bỏ Kosovo, khu vực có 90% dân số là người Albania và vừa tuyên bố độc lập hồi tháng trước với sự ủng hộ của phương Tây.
Không phải toàn bộ 27 thành viên của EU đều công nhận Kosovo độc lập nhưng tổ chức này đã triển khai một sứ mệnh giám sát, chịu trách nhiệm giám sát các tiến bộ của Kosovo với tư cách là một nước độc lập.
Tổng thống Tadic, cũng là người đứng đầu đảng Dân chủ, hôm qua cho biết, âm mưu chia rẽ người Serbia thành hai nhóm ái quốc và phản bội về vấn đề Kosovo sẽ bị chặn lại bằng cuộc bầu cử. Một nhà nước Serbia mạnh và ổn định sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia. "Nếu chúng ta gia nhập EU, chúng ta có thể đảm bảo rằng khu vực ngoài vòng pháp luật đó sẽ không bao giờ trở thành thành viên EU", quan chức này tuyên bố trên truyền hình.
Ngoại trưởng Dimitrij Rupel của Slovenia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU bày tỏ hy vọng chiến thắng sẽ thuộc về các đảng ủng hộ châu Âu.
Serbia từng trải qua 5 tháng với một chính phủ nắm quyền tạm thời vào 2007, cũng dưới thời ông Kostunica, cho tới khi nhà lãnh đạo này và đảng Dân chủ tìm ra cách chung sống. Bất đồng sâu sắc giữa hai bên đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ làm việc thất thường, giữa thoả hiệp và khủng hoảng, từ từ cải cách và kết thúc ở hàng cuối trong danh sách ứng viên gia nhập EU.
Các cuộc thăm dò cho thấy, tổng tuyển cử có thể tạo ra một Quốc hội mà không đảng nào chiếm đa số rõ rệt và một thoả thuận liên minh sẽ tốn nhiều thời gian để thương thuyết.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)