Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin trong tám năm qua, những quan điểm của Nga đã có sức nặng trên trường quốc tế nhiều hơn so với những năm 1990, khi lập trường của Moscow về các cuộc khủng hoảng quốc tế thường bị phớt lờ.
Thành tựu
Tổng thống Nga Putin (phải) và Phó Thủ tướng thứ nhất Medvedev
-Nga đã giành lại địa vị là một cường quốc hàng đầu trên thế giới. Sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp nâng cao uy tín của Nga trên trường quốc tế. Một số nước thích Nga trong khi những nước khác thì không, một số nước đang giúp Nga gia tăng ảnh hưởng trong khi những nước khác đang chống lại ảnh hưởng đó. Những quan điểm của Nga hiện có sức nặng trên trường quốc tế hơn so với những năm 1990, khi quan điểm của Moscow về các cuộc khủng hoảng quốc tế thường bị phớt lờ.
Nga đã đạt được mục tiêu này mà không cần gia tăng lớn về khả năng hạt nhân hoặc các khả năng khác. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Nga với địa vị là một nước xuất khẩu dầu khí cũng đóng vai trò lớn, cùng với việc Nga lọt vào nhóm các nền kinh tế mới nổi, phát triển nhanh nhất (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Một yếu tố quan trọng hơn là sự phục hồi của ’’người châu Âu ốm yếu này’’, mà nhiều người không mong đợi sẽ xảy ra.
-Lấy lại sự tự tin. Sự thịnh vượng của một quốc gia là một yếu tố quan trọng của việc cùng tồn tại với các nước khác và là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước đó. Ngày nay, mọi người Nga, dù ở trong nước hay nước ngoài, từ các đại sứ cho tới khách du lịch, đều cảm thấy rằng họ là công dân của một nước lớn, mạnh, đang tăng trưởng và được tôn trọng.
Trong những năm 1990, người ta nói rằng Nga bị chỉ đạo từ Spaso House, dinh thự của đại sứ Mỹ ở Moscow. Ngày nay, mọi người Nga và người nước ngoài biết rằng Moscow có thể bất đồng với Washington hoặc các chính phủ khác về các vấn đề đối nội hoặc đối ngoại, cũng như giữ vững lập trường của Nga mà không phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực. Rất ít quốc gia hiện có thể làm được việc này.
-Sự phản kháng đối với làn sóng các cuộc cách mạng màu tại các nước láng giềng. Khi những biện pháp lôi kéo công luận trong các cuộc bầu cử đã giúp các lực lượng chống Nga lên nắm quyền tại các nước láng giềng, một số người cho rằng xu hướng này sẽ khiến Khối thịnh vượng chung của các quốc gia độc lập (CIS) tan rã cũng như gây ra khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Nga. Họ đã thất vọng.
Một ’’cuộc cách mạng tulip’’ thất bại ở Kyrgyzstan, cùng với tình trạng hỗn loạn và bạo lực ở thủ đô của nước này, đã khiến giới cầm quyền và người dân địa phương lo sợ, song lại củng cố lập trường của Nga tại Trung Á. Các cuộc cách mạng màu ở Ukraine và Grudia đã mất đi sự hấp dẫn của chúng sau những sự kiện tiêu cực tiếp theo tại các nước này. Chính sách đối ngoại của Nga nổi lên như là người chiến thắng trong các cuộc khủng hoảng trên bởi Nga đã phản ứng một cách điềm tĩnh với chúng, chứng tỏ rằng thỉnh thoảng điều tốt hơn là chẳng làm gì cả.
-Bảo vệ các cơ chế hợp nhất (CIS, CSTO - Tổ chức hiệp ước an ninh chung, v.v..) và thiết lập những cơ chế mới chẳng hạn như Tổ chức hợp tác Thượng hải (SCO). Chính sách của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong suốt những năm 1990 là không bền vững và rõ ràng là cần thay đổi khi ông Putin lên làm tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất. Câu hỏi duy nhất là chính sách nào sẽ thay thế chính sách đó. Trong tám năm qua, rõ ràng là đa số các nước cộng hòa này cần một số chức năng và cơ chế của CIS và do vậy, những chức năng và cơ chế đó đang được cải cách.
Đồng thời, liên minh quân sự của nhiều quốc gia CIS - Tổ chức hiệp ước an ninh chung (CSTO) - được bảo vệ và Nga đang thay đổi chính sách cung cấp năng lượng rẻ thời hậu Liên Xô sang các đồng minh chính trị. Nga đang phát triển các mối quan hệ mới với Kazakhstan và một mô hình hợp tác quốc tế mới ở Trung Á, lôi kéo không chỉ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khu vực mà còn cả Trung Quốc (SCO).
Chính sách đối ngoại hậu Liên Xô đang được phân chia thành một chính sách phương Tây và một chính sách Trung Á. Hai chính sách này hoàn toàn tách biệt và do vậy hiện thực hơn.
-Khôi phục những vị trí đã mất tại các vùng ảnh hưởng truyền thống (Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc), phát triển các quan hệ với những đối tác mới (các nước Mỹ Latinh). Trong những năm 1990, chính sách đối ngoại của Nga mất tầm với toàn cầu. Các mối quan hệ đối tác được thiết lập trong kỷ nguyên Liên Xô đã bị tan vỡ và ngoại thương suy giảm, trong khi các cuộc cải cách định hướng thị trường tại Nga đặt thương mại vào tay các doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên trong hàng thập kỷ.
Chính quyền Nga trong những năm 1990 không có quan điểm rõ ràng về các mục tiêu kinh tế và chính trị tại những khu vực khác nhau trên thế giới. Tình hình đó đã thay đổi dưới thời ông Putin, với việc các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân đã thiết lập được quan hệ tại hầu hết các nước, được hỗ trợ bởi một chính sách đặc biệt thúc đẩy quyền lợi của họ.
Thất bại:
-Không có khả năng trở thành đối tác hàng đầu của các nước láng giềng gần gũi như Trung Quốc và Ấn Độ. Nền kinh tế Nga chưa đủ mạnh để trở thành ảnh hưởng dẫn đầu thậm chí tại các quốc gia hoan nghênh việc đó. Kỷ nguyên các liên minh được hình thành vì những lý do chính trị đã kết thúc và khả năng kinh doanh để trở thành người đi đầu cạnh tranh trong các thị trường nước ngoài giờ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Các doanh nghiệp Nga không có kinh nghiệm cũng như nguồn lực để đạt mục tiêu này. Nga không phải là đối tác hàng đầu của những đối tác kinh tế chính , chẳng hạn như Đức và Trung Quốc, cũng như CIS. Nga chỉ là một trong 10 đối tác lớn nhất của những nước này. Tình trạng này đã làm suy yếu các mối quan hệ của Nga, trong đó có các mối quan hệ chính trị, với những quốc gia đó.
-Không có khả năng trở thành một nước dẫn đầu toàn cầu về phong cách sống, văn hóa và nghệ thuật. Đây không chỉ là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Nga. Chúng ta phải thừa nhận rằng nước Nga ngày nay không thể làm điều mà Liên Xô đã làm để giành được các trái tim và khối óc ở nước ngoài. Lãnh thổ mà trong đó tiếng Nga được sử dụng đang suy giảm và uy tín của Nga về văn hóa, nghệ thuật cũng giảm.
Trong lĩnh vực này, chính sách đối ngoại của Nga đang tụt xa so với nhiều nước khác, những nước có nhiều công nghệ để ’’xuất khẩu’’ văn hóa của họ.
-Không có khả năng hoạch định một chính sách hiệu quả về các mối quan hệ với cộng đồng người Nga ở nước ngoài. Cho tới nay, hàng triệu người Nga đang sống ở nước ngoài vẫn chưa trở thành những động lực cho sự phát triển về kinh tế và những lĩnh vực khác ở Nga, giống như các cộng đồng Ấn Độ và Trung Quốc ở nước ngoài.
-Mất ảnh hưởng tại Grudia và Ukraine. Moscow đã tỏ ra không có khả năng huy động được thiện chí tại các nước láng giềng, kể cả những nước có đông người Nga sinh sống. Ngoài ra, Nga đã có những hành động làm suy giảm vị thế của những người ủng hộ Nga tại các nước đó, và tình hình trở nên phức tạp hơn nữa bởi những hành động thành công của các lực lược phản đối Nga. Rõ ràng là Nga đã nhiễm ’’căn bệnh Mỹ’’. Một ví dụ là các biện pháp cấm vận Grudia. Hành động đó đã khiến người dân Grudia tức giận, ngay cả những người bất mãn với các chính sách của chính phủ Grudia.
-Thất bại trên mặt trận hợp tác quân sự-kỹ thuật. Trong suốt những năm 1990, lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật góp phần nâng đỡ 50% chính sách đối ngoại của Nga, đặc biệt là quan hệ của Nga với những quốc gia mà hoạt động buôn bán với họ đang suy giảm, chẳng hạn như Trung Quốc. Số lượng khí tài xuất khẩu đã tăng vào đầu những năm 2000 song các nhà cung cấp vũ khí khác cũng tăng cường cạnh tranh. Tuy nhiên, không thể nói sự cạnh tranh gay gắt là nguyên nhân duy nhất khiến người mua vũ khí Nga thường từ chối nhận hàng và phàn nàn về sự chậm trễ. Các cuộc cải cách không ngừng nghỉ trong lĩnh vực này vẫn chưa mang lại mục tiêu mong muốn là cải thiện uy tín của vũ khí do Nga chế tạo.
-
Minh Sơn (Theo RIA Novosti)