Tổng thống Nga Putin sắp mãn nhiệm nhưng vẫn được nhiều cử tri Nga yêu mến. Họ muốn các chính sách kinh tế và chính trị của ông được tiếp tục sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 2/3. VietNamNet xin giới thiệu những thành tựu và thất bại trong chính sách kinh tế của ông Putin trong tám năm cầm quyền.
>Putin: ’’Tôi chưa bao giờ nghiện quyền lực’’
Tổng thống Putin |
-Tăng trưởng kinh tế nhanh. Những tiến bộ của nền kinh tế Nga trong tám năm qua thực sự gây ấn tượng. GDP đã tăng khoảng 70%, công nghiệp tăng trưởng 75% và đầu tư tăng 125%, giành lại vị thế của Nga là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. GDP của Nga trong năm 2007 đạt mức 1990, nghĩa là nước này đã vượt qua được những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990. Giờ Nga đang đối mặt với một nhiệm vụ thách thức hơn là quá độ sang một nền kinh tế lấy đổi mới làm động lực phát triển.
-Nga đã trở thành một siêu cường năng lượng nhờ một chính sách mà theo đó chính phủ kiểm soát một phần lớn ngành dầu khí và doanh thu từ ngành này. Điều tương tự cũng diễn ra đối với đa số các nước sản xuất nguyên vật liệu. Nga hiện là nước xuất khẩu dầu khí lớn thứ hai thế giới.
Việc nhà nước kiểm soát ngành dầu khí ở Nga đã làm cho các công ty năng lượng hoàn toàn cởi mở và minh bạch đối với các nhà đầu tư. Sau khi chính phủ nắm cổ phần kiểm soát tại Gazprom, tập đoàn năng lượng này đã trở thành một công ty cổ phần thực sự. Rosneft, công ty dầu lớn nhất do nhà nước kiểm soát, đã được cổ phần hóa năm 2006, thu hút hàng nghìn nhà đầu tư Nga và nước ngoài.
Công ty điện lực độc quyền RAO UES sẽ được cổ phần hóa vào mùa hè này. Chính phủ sẽ chỉ kiểm soát các hoạt động phân phối và mạng lưới truyền tải, trong khi hoạt động bán điện và sản xuất điện năng sẽ do các nhà đầu tư tư nhân kiểm soát.
-Quản lý hiệu quả nguồn thu từ dầu khí. Hoàn toàn rõ ràng rằng khi Tổng thống Putin đương nhiệm, nước Nga đã theo đuổi một chính sách rất khôn khéo về quản lý nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí, trong bối cảnh giá dầu đã tăng đều trong 8 năm qua. Quỹ bình ổn được thiết lập năm 2004 để tích lũy nguồn thu từ dầu mỏ nhằm sử dụng cho những lúc khó khăn. Một năm sau, quỹ này đã vượt 18 tỷ USD và trong vòng hai năm đã tích lũy đủ để trả mọi món nợ của Liên Xô. Quỹ này cũng góp phần giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Năm 2007, quỹ này đã tích lũy đủ cho đầu tư. Một phần tiền được chi cho các đơn vị phát triển của Nga. Cuối tháng 1/2008, quỹ này được tách thành Quỹ dự trữ - nhằm bảo vệ Nga khỏi những cú sốc tài chính toàn cầu và Quỹ phúc lợi quốc gia (tiền của quỹ này sẽ được sử dụng để cải cách lương hưu.
-Tăng trưởng sản lượng công nghiệp. Cuộc khủng hoảng tài chính 1998 ở Nga đã thúc đẩy công nghiệp phát triển. Theo cơ quan thống kê liên bang, tăng trưởng công nghiệp đạt 11,9% vào năm 2000 song giảm xuống còn 3,7% trong hai năm tiếp theo khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bớt dần. Tăng trưởng công nghiệp đạt được những đỉnh cao mới từ năm 2003 và đạt 6,3% trong năm 2007.
-Tăng thu nhập. Trong tám năm qua, thu nhập thực tế ở Nga đã tăng hơn gấp đôi trong khi đói nghèo giảm 50%. Tỷ lệ dân cư sống ở mức đói nghèo giảm từ 30% trong năm 2000 xuống còn 14% hiện nay. Tiền lương trung bình tăng từ 90 USD lên 500 USD trong tám năm qua và lương hưu trung bình tăng từ 33 USD lên 140 USD. Quan trọng nhất là tiền lương và lương hưu tăng nhanh hơn lạm phát.
Thất bại
-Lạm phát cao. Chính phủ Nga đã không khống chế được sự tăng giá. Trong tám năm qua, chỉ có hai lần lạm phát được duy trì ở mức trần dự báo. Trong năm 2007, chính phủ đã mất sự kiểm soát đối với giá cả, khi tỷ lệ lạm phát vượt mức 2006. Xu hướng lạm phát tiếp tục trong đầu năm 2008. Nhà chức trách đã hứa hẹn làm hết sức để kiềm chế lạm phát và thậm chí ám chỉ rằng họ có thể giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu này. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về kế hoạch trên vì chính phủ vẫn chưa thực thi các biện pháp chống lạm phát quyết liệt, mà chỉ đang thực hiện các biện pháp lấy lòng dân, chẳng hạn như khống chế giá cả của các lương thực cơ bản.
-Nền kinh tế dựa trên nguyên liệu. Cho tới nay, nền kinh tế Nga tăng trưởng chủ yếu dựa vào các loại tài nguyên. Nộp ngân sách của ngành năng lượng và nhiên liệu, dưới dạng thuế, đạt 128 tỷ USD năm 2007, chiếm gần 50% nguồn thu của ngân sách liên bang. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu và phân bón chiếm đa phần hàng xuất khẩu của Nga. Máy móc và thiết bị chỉ chiếm 17 tỷ USD trong tổng số 352 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
-Lệ thuộc lớn vào thực phẩm nhập khẩu. Tỷ trọng thực phẩm nhập khẩu ở Nga đã vượt quá 40%. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, mới bắt đầu trong 2 năm qua, cho tới nay không thể đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, dẫn tới sự gia tăng lớn về thực phẩm nhập khẩu. Nga hiện là nước nhập khẩu thịt gia cầm và bơ lớn nhất và nhập khẩu táo lớn thứ hai (sau Đức).
-Khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Thống kê về mức tăng lương và lương hưu không phản ánh được khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo ở Nga. Trong năm 2000, thu nhập của người giàu gấp khoảng 14 lần thu nhập của người nghèo, trong khi sự chênh lệch này là 17 lần trong năm 2007. Không phải đa số người Nga có mức thu nhập bình quân 500 USD mỗi tháng.
Số người sống ở mức nghèo đói đã giảm 50% kể từ năm 2000 song chững lại ở mức 15% hay hơn 21 triệu người trong 2-3 năm qua. Đói nghèo đã trở thành một căn bệnh mạn tính ở Nga, ảnh hưởng tới một bộ phận lớn những người về hưu và các công nhân không có kỹ năng ở những vùng suy thoái.
-Mọi người chưa biết cách đầu tư vào thị trường chứng khoán. Chỉ có 1 triệu trong tổng số 140 triệu dân Nga tham gia vào giao dịch cổ phiếu. Khoảng 70% người Nga không có tiền tiết kiệm. 26% trong 30% còn lại giữ tiền tiết kiệm dưới dạng tiền mặt và nhiều người muốn để tiền trong nhà hơn là ở nhà băng. Lý do của tình trạng này là sự phát triển không đầy đủ của các công cụ trên thị trường chứng khoán Nga.
-
Minh Sơn (theo Novosti)