221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1036339
"Đại Albania" và đoạn kết của giấc mơ bá quyền
1
Article
null
'Đại Albania' và đoạn kết của giấc mơ bá quyền
,

 - Việc tỉnh Kosovo thuộc Serbia với đa số sắc tộc gốc Albania tuyên bố độc lập hôm 17/2 không chỉ làm bùng lên mối lo ngại về một xu hướng ly khai các vùng lãnh thổ của các sắc tộc thiểu số mà còn đặt ra câu hỏi về việc hình thành lên những thế lực mới kình địch ở Balkan: Đại Albania và đại Serbia và thậm chí cả đại Croatia.

Ngoài Albania, sắc tộc Albania hiện đang chiếm đa số tại Kosovo, chiếm khoảng 30% dân số ở Macedonia, 5% ở Montenegro. Ngoài ra họ còn sống ở các vùng lãnh thổ phía Nam Serbia (khu vực thung lũng Presevo). Trong trường hợp Kosovo với đa số sắc tộc Albania giành được độc lập, liệu người gốc Albania ở các vùng lãnh thổ khác có cam chịu quy chế hiện hành hay không? Và liệu có thể họ sẽ sát nhập vào Kosovo và Albania để trở thành một đại Albania mà “lãnh thổ của cha ông đã từng kéo dài đến tận sông Danube”? 

Nhiều người cho rằng giữa các nhóm cư dân gốc Albania này chắc hẳn có nhiều khác biệt bởi họ sống ở các vùng lãnh thổ khác nhau và điều này sẽ là một trở ngại cho sự hợp nhất giữa các cộng đồng gốc Albania ở Balkan.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực tế ở các vùng lãnh thổ Nam Tư cũ thì sự khác biệt chắc chắn không quá lớn. Kosovo cho đến nay mới chỉ tuyên bố độc lập đơn phương và chỉ được một nhóm nước thừa nhận. Người Kosovo gốc Albania vẫn phụ thuộc rất lớn vào Serbia. 

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Bản đồ khu vực Serbia và Albania. Nguồn: Internet.

Trong khi đó, Montenegro mới chỉ tách khỏi Nam Tư (mới) còn Macedonia cũng chia tay những người anh em cũ trong Liên bang Nam Tư chưa quá lâu (1993). Không chỉ cùng một sắc tộc, cùng một ngôn ngữ mà họ còn có chung một tín ngưỡng và nhất là chung một mặc cảm kỳ thị đối với các sắc tộc đa số ở quốc gia họ sinh sống.

Nếu như ở Montenegro, mâu thuẫn giữa các sắc tộc thiểu số là Montenegro và Albania với người Serbia là chủ đạo thì ở Macedonia, phải đến năm 2001, lực lượng vũ trang người gốc Albania (UCK-M) chống chính quyền trung ương mới chính thức chấp thuận tham gia vào tiến trình xây dựng Nhà nước Macedonia đa sắc tộc.

Cuộc chiến du kích của người gốc Albania ở Macedonia chống lại chính quyền Skopje vẫn tiếp tục âm ỉ và bùng nổ trở lại vào các năm 2003, 2004. Những phong trào du kích của người gốc Albania ở Macedonia và ở thung lũng Presevo thuộc Serbia vẫn luôn cho rằng chính nhờ sự đấu tranh của họ ở các khu vực “ngoại vi” mà Kosovo với đa số sắc tộc Albania mới có được tư thế như ngày nay. Cuộc đấu tranh của họ là nhằm hướng tới một “đại Albania” chứ không chỉ dừng lại ở một Kosovo độc lập. 

Cho dù Tirana luôn có một thái độ cẩn trọng đối với các vấn đề ở Balkan nhưng rõ ràng Albania đã là nguồn hỗ trợ bên ngoài tích cực cho phong trào phản kháng của người gốc Albania ở Kosovo và cũng là một trong những nước đầu tiên công nhận Kosovo độc lập (18/2). Còn người Kosovo gốc Albania hôm 17/2 đã ăn mừng “ngày độc lập” không phải bằng lá cờ do cơ quan hành chính LHQ áp đặt mà bằng quốc kỳ của Albania với hai màu đỏ và đen. 

Ngay chính ông cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albania Besnik Mustafaij tháng 3/2006 cũng đã tuyên bố rằng: “Nếu Kosovo bị chia cắt, chúng ta sẽ không đảm bảo rằng biên giới giữa Kosovo với Albania sẽ không bị thay đổi và cả biên giới với Macedonia cũng vậy”.

Câu hỏi nhiều người đặt ra sau tuyên bố độc lập của Kosovo là liệu vùng lãnh thổ này có thể tồn tại một cách độc lập? Và nếu không thì liệu họ có sẵn sàng sáp nhập vào Albania để trở thành một đại Albania? Nếu như câu hỏi này chưa có lời đáp thì một điều chắc chắn là một đại Albania sẽ khơi lại tâm tưởng về một đại Serbia kình địch và cả một đại Croatia đối trọng với đại Serbia.

Người Serbia ở Kosovo đã không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở Kosovo năm 2007 và họ cũng chẳng thừa nhận tuyên bố độc lập của những người nhân danh Kosovo hôm 17/2 vừa qua. Họ cũng sẵn sàng từ bỏ Kosovo để trở về với “nước mẹ Serbia”. Cũng sẵn sàng như họ là những người Serbia ở Bosnia, Montenegro. 

Nếu đã thừa nhận quyền độc lập của người gốc Albania ở Kosovo thì chẳng có lý do gì để từ chối quyền của những người Serbia ở chính Kosovo, ở Bosnia (nơi họ đã có hẳn một nước cộng hòa Republika Srpska) và ở Montenegro (nơi họ chiếm tới 30% dân số). Khi đó, người Croatia vốn nghi kị người Serbia cũng sẽ tìm kiếm con đường hợp nhất nhằm phục hưng một đại Croatia trong một được biên giới lịch sử và sắc tộc.

Trong một kịch bản như vậy, Hiệp định Dayton về Bosnia sẽ bị xé toạc và cùng với nó là Bosnia-Herzegovina. Một kịch bản xáo trộn ở Balkan lại được khởi động. Người Hồi giáo ở Bosnia sẽ không biết phải đi về đâu trong cuộc cạnh tranh giữa người Serbia và người Croatia. Montenegro sẽ còn lại gì khi 30% người Serbia sẽ trở về với Belgrad và 5% người gốc Albania về với một đại Albania mới hình thành? 

Macedonia sẽ đứng trước câu hỏi tương tự khi phải đối mặt với sự ly khai của 30% người gốc Albania trong khi Hy Lạp và Bulgaria có thể đòi hỏi chủ quyền với một phần lãnh thổ của nước này. Hungaria cũng sẽ có lý do để nhắc tới vùng lãnh thổ Vojvodina. Một đoạn kết vô cùng phức tạp nếu tiếp tục suy diễn theo kịch bản này: chiến tranh, thảm sát, thanh trừng sắc tộc... sẽ tái diễn như là một định mệnh chứ không phải là ngoại lệ ở trên vùng đất Balkan mà tên gọi đã trở thành ngôn từ biểu đạt cho sự hỗn loạn, đoạn kết tất yếu của mọi “giấc mơ bá quyền” dù ở đâu và vào thời điểm nào.

  • Hồng Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,