Người dân Pakistan thở phào nhẹ nhõm vì chiến thắng vang dội của hai chính đảng ôn hòa lớn trong cuộc tổng tuyển cử 18/2 đã đánh dấu một sự đổi hướng về chính trị sau tám năm quân đội nắm quyền, mặc dù trong quá khứ các đảng này đã dựng lên những chính phủ không mấy tốt đẹp.
Những người ủng hộ ông Sharif hò reo mừng chiến thắng của PML-N |
Nhiều nhà phân tích còn diễn dịch kết quả bầu cử là ’’một cuộc trưng cầu dân ý chống lại các chính sách của ông Musharraf’’. Các cử tri Pakistan đã giáng cho ông Musharraf và những người ủng hộ ông một đòn chí tử. Sự nghiệp chính trị của ông có thể bị đe dọa. Tại sao? Bởi vì người dân Pakistan đã bỏ phiếu ủng hộ sự thay đổi. Chính phủ mới sẽ phải là chính phủ liên minh song chính phủ này sẽ có một sứ mạng dân chủ mạnh và sẽ phải quyết định hợp tác ra sao với tổng thống.
Ông Musharraf đã ’’chấp nhận kết quả bầu cử’’, Thượng nghị sĩ John Kerry nói tại Islamabad sau khi ông và hai thượng nghị sĩ Mỹ khác gặp gỡ ông Musharraf. Ngoài ra, lãnh đạo của đảng PML-Q thân Musharraf, Chaudhry Shujaat Hussain - một chính trị gia thường không thỏa hiệp - nói rằng đảng của ông sẽ ngồi ở ghế đối lập.
Những diễn biến có lợi cho Mỹ
Giờ đây, với một trong những kết quả bầu cử ấn tượng nhất trong lịch sử Pakistan hiện đại, Mỹ - nước ủng hộ mạnh mẽ ông Musharraf ngay cả khi lực lượng Taliban và al-Qaeda hoạt động ngày càng mạnh ở Pakistan - phải tìm kiếm những đối tác mới trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo này.
Theo Tướng Jehangir Karamat, một cựu tham mưu trưởng của quân đội Pakistan, chính phủ mới sẽ giúp Mỹ nếu Mỹ mong muốn hợp tác với các lực lượng ôn hòa. ’’Đó là một cơ hội để khôi phục toàn bộ mối quan hệ này’’, ông Karamat nói. Từng là đại sứ Pakistan tại Mỹ, ông Karamat cho biết thất bại của các đảng tôn giáo ở tỉnh biên giới Tây-Bắc cũng sẽ giúp ích cho Mỹ. Thay vì chọn các đảng tôn giáo, cử tri của tỉnh này đã chọn hai đảng thế tục là các lực lượng chi phối trong hội đồng lập pháp địa phương vô cùng quan trọng.
Tỉnh biên giới Tây-Bắc tiếp giáp với các khu vực bộ tộc. Những khu vực này đã trở thành nơi ẩn náu của các chiến binh Taliban và al-Qaeda, là bàn đạp cho các cuộc tấn công liều chết vào những nơi đông dân ở Pakistan.
Theo giới phân tích, một nhân tố quan trọng trong cuộc bầu cử tương đối suôn sẻ này là quyết định của tổng tư lệnh quân đội mới, Tướng Ashfaq Parvez Kayani. Ông Kayani đảm bảo rằng quân đội sẽ đứng ngoài chiến dịch vận động tranh cử và không can thiệp vào ngày bầu cử. Ông Kayani dường như là một đối tác đầy hứa hẹn của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Joseph Biden, nhận định hôm 19/2. Ông Biden, người đã chỉ trích chính sách ’’lấy Musharraf làm trung tâm’’ của chính quyền Bush, nói rằng chỉ huy quân đội mới này là ’’một người có lý trí, hiểu các nghĩa vụ và giới hạn của quân đội’’.
Một quốc hội Pakistan ôn hòa cũng sẽ là tin tức tốt lành đối với Mỹ, nhà phân tích quân sự Pakistan Shuja Nawaz ở Washington nhận định. ’’Nếu quốc hội mới có quyền mạnh hơn trước trong việc ra quyết định, Mỹ sẽ rất hài lòng vì nước này không còn phải cầu xin hoặc vỗ về Pakistan hành động chống khủng bố, cho dù hành động chống khủng bố có lợi cho chính Pakistan’’, ông Nawaz nói.
Sự bắt tay khó nhọc của hai đối thủ
Lãnh đạo Nawaz Sharif của PML-N, người từng hai lần làm thủ tướng vào những năm 1990, giờ đang có cơ hội thành lập một chính phủ liên minh với ông Asif Ali Zardari, lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông Zardari là chồng của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto - lãnh đạo phe đối lập bị ám sát cách đây gần hai tháng.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, cả ông Sharif và ông Zardari đều nói rằng họ tin Pakistan phải biến cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo cực đoan thành một nỗ lực của Pakistan, chứ không phải là cuộc chiến do Mỹ ra lệnh. Theo các nhà phân tích, quan điểm trên được nhiều người ủng hộ bởi người Pakistan sợ các chiến binh nổi loạn này song lại bực tức với cảm giác rằng Pakistan, dưới sự lãnh đạo của ông Musharraf, đã trở thành một công cụ của Mỹ.
’’Bài học đối với Mỹ trong cuộc chiến này là lắng nghe ý nguyện của nhân dân Pakistan. Chúng tôi không thể tự động cúi đầu trước Mỹ. Chúng tôi muốn tham gia vào cuộc chiến này nếu đó là vì quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chịu lệnh của bất kỳ ai’’, Jehangir Tareen, một thành viên trước đây trong nội các của ông Musharraf và là người ủng hộ liên minh của Pakistan với Mỹ, nói.
Trong những năm 1990, PPP và PML-N là các đối thủ. Lãnh đạo của hai đảng này, Bhutto và Sharif, đã sống lưu vong ở nước ngoài trong gần một thập kỷ cho tới gần đây và cả hai điều hành đảng của họ từ nước ngoài. Mặc dù chiến thắng lớn của hai đảng này được hoan nghênh nhiệt liệt, song những chiến thắng đó vẫn không thể làm người Pakistan quên đi những ký ức về sự thất bại của các chính phủ dân sự trong những năm 1990. Nhiều người nhất trí rằng cả chính phủ của bà Bhuto và của ông Sharif trước đây đều không có thành tích nổi bật. Trái lại, những chính phủ đó đầy sự tham nhũng.
Kết quả kiểm phiếu tới nay cho thấy PPP giành được 80 ghế trong tổng số 272 ghế tại quốc hội. PML-N giành được 66 ghế và đảng thân Musharraf (PML-Q) tụt xa với 38 ghế.
Zardari, người đã bị buộc tội tham nhũng tại Pakistan, chưa bao giờ được bầu nắm giữ các trọng trách. Ông Zardari nổi danh là ’’Mr.10%’’ về những khoản lại quả mà ông nhận khi bà Bhutto còn là thủ tướng. Ông đối mặt với sự bất bình và hoài nghi trong đảng PPP của ông và vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh giữa ông Zardari và ông Sharif sẽ diễn biến như thế nào. Các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ kéo dài và khó khăn do cả hai bên đều muốn đặt những điều kiện khó nhằn cho bên kia.
Ông Sharif, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1999 do ông Musharraf đứng đầu, đưa ra cương lĩnh tranh cử mang nội dung chống Musharraf rõ rệt - một chiến lược dường như đã có hiệu quả lớn và giúp đảng PML-N của ông giành được chiến thắng lớn. Tuy nhiên, ông Zardari lại có quan điểm ôn hòa hơn về ông Musharraf, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với mọi lực lượng dân chủ ở Pakistan để thành lập một chính phủ thống nhất dân tộc.
Do vậy, có tin cho rằng ông Sharif đã nhất trí để người của đảng PPP nắm giữ chức thủ tướng. Để đổi lại, ông ra ba điều kiện: luận tội ông Musharraf, phục chức cho Chánh án tòa án tối cao và các thẩm phán khác bị ông Musharraf sa thải và bổ nhiệm Aitzaz Ahsan - lãnh đạo của phong trào các luật sư chống Musharraf, và là một thành viên PPP, làm thủ tướng.
Ngay cả khi PPP và PML-N bắt tay thành công, sự tồn tại của chính phủ liên minh này cũng là mối quan tâm của nhiều người. Khi còn sống, bà Bhutto đã từng lên tiếng đe dọa trấn áp các chiến binh Hồi giáo. Trong khi đó, ông Sharif và những chính trị gia khác đã kêu gọi đối thoại với các phần tử cực đoan tại những vùng biên giới với Afghanistan và chỉ trích các chiến dịch quân sự tại khu vực này do tác động của các chiến dịch đó tới dân thường.
Tương lai bấp bênh của Musharraf
Ông Musharraf đã tái đắc cử chức tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm vào cuối năm ngoái, song tương lai chính trị của ông không mấy chắc chắn. Ông Musharraf từng vượt qua những nguy hiểm khi còn trong quân ngũ cũng như sau những âm mưu ám sát ông bất thành, giờ ý nguyện của chính nhân dân Pakistan đã đẩy sự nghiệp chính trị của ông Musharraf tới bờ vực thẳm. Nhiều nhà phân tích cho rằng ngày tàn của ông Musharraf đang tới gần.
’’Tôi không thấy cơ hội sống sót của ông Musharraf. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự thật rằng các đảng phản đối Musharraf chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử là sự lên án các hành động và chính sách của ông ấy’’, nhà phân tích chính trị Mahmood nổi tiếng của Pakistan nhận định.
Ông Musharraf đã hứa hợp tác với bất kỳ chính phủ nào được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử. Tuy vậy, các đảng đối lập có ít lý do hợp tác với ông, đặc biệt là bởi ông không còn kiểm soát quân đội có nhiều ảnh hưởng tại Pakistan.
Quốc hội mới có thể lật nhào việc ông Musharraf thắng cử và đưa ông ra luận tội. Quốc hội cũng có thể tước đi quyền hạn giải tán chính phủ của tổng thống. Ông Musharraf là một đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố song tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm mạnh ở trong nước sau khi ông áp đặt tình trạng khẩn cấp, thanh trừng Tòa án tối cao, tống giam các chính trị gia đối lập và hạn chế tự do báo chí hồi cuối năm ngoái.
Ngay cả khi liên minh cầm quyền không tập hợp được đủ sự ủng hộ trong quốc hội mới để phế truất ông Musharraf, chính phủ mới có thể phục chức cho các thẩm phán Tòa án Tối cao và yêu cầu Tòa án Tối cao bác bỏ kết quả bầu tổng thống hồi tháng 10/2007. Hành động đó có thể gây nguy hiểm cho vị trí hiện thời của ông Musharraf và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị nữa.
Athar Minallah, một người vận động phóng thích cựu Chánh án Tòa án Tối cáo Chaudhry, nói rằng nếu quốc hội mới không phục chức cho các thẩm phán bị ông Musharraf thanh trừng vào ngày 7/3, các luật sư sẽ ’’bao vây Islamabad’’ và đó không phải là một viễn cảnh tốt đẹp cho một chính phủ dân sự mới.
Tuy nhiên, ông Musharraf sẽ cố bám lấy chiếc ghế quyền lực. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Wall Street hôm 19/2, ông nói rằng ông dự định vẫn nắm quyền và hợp tác với chính phủ mới. ’’Chúng ta phải tiến lên bằng cách thành lập một chính phủ dân chủ ổn định cho Pakistan’’. Ông đã nhất trí rằng kết quả bầu cử phản ánh sự bất mãn của người Pakistan với chính phủ của ông.
Cơ hội của ông Musharraf là ngăn chặn PPP và PML-N thành lập một chính phủ liên minh. Thay vào đó, PML-Q sẽ liên kết với PPP - đảng dường như ’’nhẹ nhàng’’ hơn trong việc chỉ trích các chính sách của ông. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả kiểm phiếu cho tới nay, PML-Q dường như không có cơ hội bắt tay với PPP.
Cơ hội thứ hai là Mỹ đang hối thúc các lãnh đạo của chính phủ mới hợp tác với ông Musharraf, một người đã ít nhất hai lần thoát khỏi âm mưu ám sát của al-Qqaeda kể từ khi ông liên minh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và vẫn là một đồng minh được Mỹ tin cậy.
’’Cuối cùng, Tổng thống Musharraf vẫn là tổng thống của Pakistan và chắc chắn chúng tôi hy vọng rằng bất kỳ ai trở thành thủ tướng của chính phủ mới sẽ có thể hợp tác với ông và với tất cả các phe nhóm khác’’, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey nói hôm 19/2.
Đảng PPP của bà Bhutto có thể đồng ý với điều đó để tránh làm phật lòng Mỹ, nước viện trợ chính cho Pakista, khi đảng này lên nắm quyền sau gần 12 năm đứng ngoài. Ông Sharif, người mà đảng PML-N của ông giành thắng lợi lớn hơn mong đợi, và giành quyền kiểm soát tại tỉnh Punjab quan trọng, có thể sẵn sàng thỏa hiệp về sự nghiệp chính trị của ông Musharraf miễn là các đảng khác nhận trách nhiệm để ông thoát khỏi khó khăn này.
Nếu may mắn, ông Musharraf vẫn làm tổng thống song với quyền lực bị giảm mạnh và đối mặt với sự thù địch của công chúng - những người lo sợ về hoạt động gia tăng của các chiến binh Hồi giáo, mệt mỏi về sự cầm quyền kéo dài của quân đội và tức giận trước giá lương thực leo thang. Và ông phải học cách chung sống với những thỏa hiệp. Nếu ông không chịu như vậy, thảm họa sẽ xảy ra với hệ thống dân chủ và đối với chính bản thân Musharraf.
’’Thay vì là một nhân vật thống nhất Pakistan, ông Musharraf đã dẫn Pakistan vào một ngõ tối. Cách duy nhất để ông có thể tồn tại là thông qua vận động và lôi kéo và ông càng vận động, càng lôi kéo, ông càng làm cho công chúng tức giận.’’, Giáo sư chính trị Rasul Baksh Rais thuộc ĐH Quản lý Lahore nói.
Dù khả năng nào xảy ra đi nữa thì chính trường Pakistan sau bầu cử và sau khi chính phủ mới được thành lập đầy những dấu hiệu căng thẳng do khả năng đối đầu giữa Tổng thống Musharraf và quốc hội, chính phủ mới.
-
Minh Sơn (tổng hợp)