Những kết quả sớm cho thấy, các đảng đối lập ở Pakistan đã "thắng lớn" trong cuộc bầu cử có thể quyết định tương lai của Tổng thống Pervez Musharraf, các cựu quan chức đảng cầm quyền hôm nay (19/2) cho hay.
(Ảnh The News) |
Bầu cử là bước cuối cùng trong quá trình chuyển sang dân chủ tại Pakistan sau 8 năm quân đội nắm quyền và kết quả có vẻ đã xua tan được lo ngại của phe đối lập là bầu cử bị sắp đặt.
"Kết quả sớm cho thấy, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông Nawaz Sharif (PML-N) thắng lớn" Tariq Azeem, cựu bộ trưởng và là phát ngôn viên của đảng cầm quyền cũ PML-Q (Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Q) nói. Quan chức này cũng chúc mừng chồng của bà Bhutto, người đã chèo lái đảng Nhân dân Pakistan (PPP) sau khi nữ cựu Thủ tướng bị ám sát hồi tháng 12 năm ngoái.
"Nếu kết quả được xác nhận, chúng tôi sẽ giữ vai trò đối lập một cách hiệu quả" ông Azeem nói.
Chủ tịch PML-Q Chaudhry Shujaat Hussain, một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của Tổng thống Musharraf, đã mất cả hai vị trí trong Quốc hội lẫn hội đồng lập pháp địa phương, đài truyền hình quốc gia nước này cho biết.
"Kết quả gây sốc" một quan chức giấu tên của PML-Q nói.
Sự thắng lợi của phe đối lập sẽ khiến số phận chính trị của Tổng thống Musharraf trong trạng thái thăng bằng. Quốc hội sẽ đầy ắp những kẻ thù của nhà lãnh đạo này sẽ làm ông bị suy yếu hoặc có thể khiến người đứng đầu đất nước bị luận tội.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Musharraf cho hay, ông sẽ chấp nhận dù là kết quả thế nào chăng nữa. "Kết quả bầu cử chính là tiếng nói của quốc gia và cho dù ai chiến thắng chúng ta nên chấp nhận, bản thân tôi cũng vậy".
Kết quả bỏ phiếu chính thức được công bố từ từ và kết quả cuối cùng sẽ có vào cuối ngày hôm nay hoặc ngày mai (20/2) nhưng các quan chức chính phủ có thể xác nhận xu hướng kết quả.
Tỷ lệ đi bỏ phiếu ước tính đạt 40% trong số 81 triệu cử tri đủ tư cách, thư ký uỷ ban bầu cử Kanwar Dilshad nói. Tỷ lệ này trong bầu cử năm 2002 và 1997 lần lượt là 42% và 37%.
-
Hoài Linh (Theo AFP, BBC)