Quá trình kiểm phiếu tại Pakistan đã bắt đầu ngay sau khi các điểm bầu cử kết thúc. Tổng tuyển cử diễn ra yên bình hơn so với những gì mà người ta lo ngại trước đó.
Binh sĩ canh gác bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Charsada, khu vực tây bắc, cách Peshawar 45km (AP)
Tổng thống Musharraf, cựu tổng tư lệnh, đã kêu gọi hoà giải sau khi bỏ phiếu tại thành phố Rawalpindi, nơi lãnh đạo đối lập, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát hôm 27/12 năm ngoái. Ông nói: "Cho dù đảng nào thắng và ai đó trở thành thủ tướng tôi đều chúc mừng họ và tôi sẽ hợp tác với họ trên tư cách là Tổng thống".
Cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội và hội đồng lập pháp tỉnh theo kế hoạch phải tiến hành vào đầu tháng trước nhưng đã bị trì hoãn vì sự kiện Bhutto.
Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 5h chiều (19h ngày 18/2 giờ VN). Kết quả sớm có thể có vào lúc nửa đêm (giờ địa phương) và các xu hướng sẽ trở nên rõ ràng vào sáng mai (19/2).
Cái chết của bà Bhutto, một người cấp tiến, chính trị gia thân phương Tây tại một quốc gia Hồi giáo có nhiều phần tử chống Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tại quốc gia được vũ trang hạt nhân. Chỉ trong mấy tháng đầu năm, đã có 450 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tới chiến binh.
Lo sợ bạo lực đã khiến nhiều người Pakistan không dám đi bầu cử dù có tới 80.000 quân được huy động để đảm bảo an ninh cho quá trình này. Quan chức bầu cử Mohammad Farooq ước tính, số lượng cử tri đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu mà ông giám sát ở Rawalpindi là 35%.
Một quan chức tình báo cho biết, có 11 người bị giết, 7 trong số này ở tỉnh Punjab, và 70 người bị thương vì các vụ bạo lực liên quan tới bầu cử kể từ khi các điểm bỏ phiếu mở cửa.
Tại tỉnh nhà của bà Bhutto là Sindh, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Arif Ali Khan nói, có hai người bị giết, 50 người bị thương vì các sự kiện liên quan tới bầu cử. "Việc đó không mấy quan trọng" ông Khan nói trong khi tỏ ra buồn phiền về số người thiệt mạng.
Những vụ chém giết xảy ra ít hơn so với những gì dự đoán, nhưng lo sợ khiến nhiều người không đi bỏ phiếu, thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry nói với các phóng viên sau khi quan sát bỏ phiếu tại thành phố Lahore.
Lo ngại về an ninh tác động tới hầu hết các khu vực ở Pakistan. Một vụ tấn công liều chết nhằm vào những người ủng hộ đảng của bà Bhutto làm 47 người chết hôm 16/2.
"Bạn thấy đánh bom liều chết diễn ra ở khắp nơi và các đường phố hầu như vắng lặng trong ngày bầu cử. Đó là vì tất cả đều sợ hãi", công chức Mohammad Ijaz, đi bỏ phiếu tại Lahore - nơi có ba người bị giết trong một vụ bắn nhau tối Chủ nhật, cho biết.
Có gần 81 triệu người Pakistan đăng ký đi bỏ phiếu. Vài trăm nhà quan sát nước ngoài và hàng nghìn nhà quan sát Pakistan đã giám sát cuộc bầu cử nhưng không được phép tiến hành hỏi ý kiến cử tri sau bỏ phiếu.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)