Tại phiên họp kín, khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ tối qua (17/2), Nga đã cố gắng ngăn chặn Kosovo độc lập với lý do lo ngại cho sự an toàn của người Serb sống tại lãnh thổ này.
Cuộc họp giữa các thành viên của Hội đồng Bảo an tiếp tục phơi bày những bất đồng nội bộ về tương lai của Kosovo. Nga ủng hộ nước đồng minh thân cận là Serbia trong khi Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Kosovo, nơi có phần đông người thiểu số Albania sinh sống.
Dân Kosovo vẫy cờ của người Albania và cờ độc lập của Kosovo (Ảnh AFP)
Hội đồng Bảo an đã tiến hành họp khẩn cấp theo đề nghị của Serbia và Nga, hai nước lập luận rằng việc Kosovo tuyên bố độc lập với Serbia cách đó vài giờ đã vi phạm một nghị quyết năm 1999 của HĐBA, nghị quyết ủy quyền cho LHQ cai quản lãnh thổ này.
Ngay từ lúc khai mạc, phiên họp đã gặp trở ngại, chỉ ít phút khi mới bắt đầu nó đã bị hoãn mất vài giờ vì thiếu phiên dịch.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói, Tổng thống Serbia nói với ông rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không mang sức nặng pháp lý. Trong khi đó, Thủ tướng Kosovo lại đảm bảo với ông rằng ông ta cam kết đem lại các cơ hội như nhau và không đối xử phân biệt với bất cứ ai tại Kosovo.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên "kiềm chế, không đưa tuyên bố hay thực thi hành động nào có thể đe dọa hòa bình, kích động bạo lực hay hủy hoại an ninh tại Kosovo và khu vực. Nghị quyết của HĐBA về Kosovo hiện vẫn còn hiệu lực và LHQ sẽ tiếp tục thực thi sự ủy trị trong bối cảnh hiện nay".
Trước khi phiên họp diễn ra, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói: Moscow đặc biệt lo ngại về quyết định ngày 17/2 của Quốc hội Kosovo ở Pristina "nhằm đơn phương tuyên bố Kosovo độc lập". Ông này cũng đề cập tới gần 120.000 người Serb đang sống tại một số khu vực ở Kosovo.
"Chúng tôi lo lắng cho sự an toàn của người Serb và một số cộng đồng thiểu số khác ở Kosovo" ông Churkin nói với các phóng viên.
90% trong số 2 triệu dân ở Kosovo là người thiểu số Albania, họ hầu hết là người Hồi giáo thế tục, không muốn Kosovo là một phần của Serbia - quốc gia mà có nhiều tín đồ cơ đốc chính thống.
Kosovo được đặt dưới sự lãnh đạo của LHQ và NATO kể từ khi NATO mở cuộc chiến trên không nhằm đập tan cuộc tấn công của người Serb nhằm vào lực lượng ly khai Albania năm 1999.
Kosovo hy vọng được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một quốc gia độc lập từ hôm nay 18/2 khi các bộ trưởng EU nhóm họp ở Brussels, Bỉ.
Nga, nước có quyền phủ quyết trong HĐBA, khăng khăng cho rằng Kosovo là vấn đề của HĐBA chứ không phải của EU. Và rằng, động thái vừa qua của Kosovo đã đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho các nhóm ly khai toàn cầu.
Chiều mai (19/2), theo đề nghị của Serbia, HĐBA sẽ mở một cuộc tranh luận công khai, chính thức về vấn đề Kosovo. Theo ông Churkin, đây sẽ là cuộc họp công khai với sự tham dự của Tổng thống Serbia.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phán đoán rằng HĐBA khó mà đi tới thỏa thuận về một nghị quyết hay một tuyên bố.
-
Hoài Linh (Theo AP)