Hàng triệu người Pakistan hôm nay (18/2) đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quan trọng vốn bị lu mờ bởi bạo lực, lo ngại gian lận, với số phận của Tổng thống Pervez Musharraf - đồng minh chủ chốt của Mỹ đang ở thế thăng bằng.
Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra sau một năm nhiều biến động chính trị và đẫm máu tại Pakistan với đỉnh điểm là vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto hồi tháng 12/2007.
Ảnh Xinhua
Cuộc bỏ phiếu lần này được mong đợi sẽ hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp tới dân chủ của Pakistan sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Musharraf. Tuy nhiên, bất ổn mới có thể phát sinh nếu các đảng phái đối lập nói cuộc bỏ phiếu có gian lận.
Các điểm bầu cử được hàng chục nghìn binh sĩ bảo vệ bắt đầu mở cửa lúc 8h sáng (10h sáng 18/2 giờ VN) và đóng cửa lúc 5h chiều (19h giờ VN) với những kết quả đầu tiên có thể được công bố lúc 10h30 tối (0h30 ngày 19/2 giờ VN).
Phát ngôn viên của Tổng thống Musharraf, thiếu tướng Rashid Qureshi bác bỏ những cáo buộc rằng bầu cử đã được sắp đặt. Quan chức này cho biết thêm, ngay cả những thùng phiếu cũng trong suốt, được niêm phong đặc biệt.
"Cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành tự do, công bằng và minh bạch", ông Qureshi nói với phóng viên hãng AFP.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan sẽ được các quốc gia phương Tây theo dõi sát trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng của Tổng thống Musharraf trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Al Qaeda và Taliban đóng tại những khu vực bộ lạc của Pakistan, sát biên giới với Afghanistan.
AFP
Tổng thống Musharraf, lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính năm 1999 và từ chức tổng tư lệnh tháng 11/2007, không có trong danh sách ứng cử nhưng có thể bị suy yếu hoặc bị buộc trọng tội nếu công chúng lập nên một quốc hội thù địch.
Chồng của cố thủ tướng Bhutto Asif Ali Zardari và cựu Thủ tướng Nawaz Sharif thề sẽ tiến hành biểu tình nếu nghi ngờ có gian lận trong bầu cử. Cả hai nhân vật này đều nghi có sự sắp đặt trong bầu cử để làm lợi cho các đồng minh của ông Musharraf.
Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Times của Anh, ông Zardari cho hay, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xuống đường phản đối nếu bầu cử được tiến hành gian lận.
Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy, đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà Bhutto có nhiều khả năng giành chiến thắng, đứng thứ hai là nhóm của ông Sharif và cuối cùng là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-Q) ủng hộ ông Musharraf đứng thứ ba.
Chính phủ Pakistan đã triển khai 500.000 quân để đảm bảo an ninh cho bỏ phiếu và sau đó.
-
Hoài Linh (Theo AFP, BBC)