Cờ Mỹ tung bay gần như khắp nơi ở Kosovo - một biểu tượng cho thấy từ lâu Mỹ đã là một người bạn của đất nước đang hình thành này. Tuy nhiên, việc Washington ủng hộ Kosovo độc lập trước sự phản đối gay gắt của Nga đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn ngày càng xấu đi giữa hai nước. Động thái này cũng làm căng thẳng thêm mối quan hệ Nga-EU.
>Kosovo tuyên bố độc lập với Serbia
>Kosovo: Nửa mừng độc lập, nửa lo tương lai
>Chùm ảnh người Albania hân hoan mừng Kosovo độc lập
>Chặng đường đi tới độc lập của Kosovo
>Nga lên án Kosovo độc lập, Mỹ phản ứng thận trọng
>Kosovo kéo căng mối bất hòa Nga - Mỹ
Người Albania ở Kosovo đổ xuống đường phố ở Pristina reo hò |
’’Moscow tin chắc rằng Nga sáng suốt và sẽ chứng kiến phương Tây phạm sai lầm về Kosovo không kém gì cuộc xâm lược Iraq. Nếu bạo lực tái bùng phát ở Kosovo, Nga và phương Tây sẽ đổ lỗi cho nhau, làm xấu đi hơn nữa các mối quan hệ chung. Thế giới đang theo dõi liệu Kosovo sẽ là một ngoại lệ hay không, rằng sự độc lập sẽ mang lại ổn định và pháp quyền, chứ không phải bất ổn và hỗn loạn’’, chuyên gia Oksana Antonenko thuộc Viện các nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, nhận định.
Dấu hiệu bất ổn đầu tiên ở Kosovo xuất hiện tại thành phố Mitrovica, nơi ba quả lựu đạn đã được ném vào các tòa nhà của LHQ và EU tối 17/2. Một quả đã phát nổ tại tòa nhà đặt tòa án LHQ, gây thiệt hại nhỏ. Tại Belgrade, người biểu tình đã ném đá và đập vỡ cửa sổ của Đại sứ quán Mỹ khi cảnh sát cố cản đám đông chừng 1.000 người. Người biểu tình, chủ yếu là các nhóm thanh niên cũng tấn công một nhà hàng McDonald, tòa nhà chính phủ Serbia và Đại sứ quán Slovenia - nước hiện giữ chức chủ tịch EU.
Nga là một đồng minh truyền thống của Serbia. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất mà Nga kịch liệt phản đối sự độc lập của Kosovo. Kremlin cho rằng việc ủng hộ Kosovo độc lập sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho các phong trào li khai khác ở Liên Xô cũ, trong đó có Chechnya và Grudia. Sự đối đầu về Kosovo có thể làm Nga thêm cứng rắn đối với những bất đồng khác. Các bất đồng đó đã đẩy các mối quan hệ với Mỹ trượt xuống mức thấp trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Nga và Mỹ đã bất đồng về kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ tại Ba Lan và radar ở CH Séc. Mỹ nói rằng các tên lửa này nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Đông song Kremlin cho rằng mục đích thực sự là làm suy yếu Nga. Trong khi đó, Mỹ bực mình khi Tổng thống Nga Putin ám chỉ rằng Nga có thể chĩa tên lửa hạt nhân vào Ukraine nếu nước này gia nhập Nato.
Các nhà phân tích cho rằng Nga chắc sẽ không hạn chế việc cung cấp năng lượng cho phương Tây để trả đũa việc công nhận độc lập của Kosovo. Tuy nhiên, phớt lờ những lo ngại của Nga có thể làm cho Moscow ít hợp tác hơn với phương Tây về các vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân của Iran. Nga cũng có thể hung hăng hơn trên lãnh thổ Liên Xô cũ, chẳng hạn như công nhận sự độc lập của các vùng li khai ở Grudia hoặc thậm chí khuyến khích sự phản kháng bạo lực đối với nỗ lực gia nhập Nato của Ukraine.
Mỹ đang không cố ý khiêu khích Nga song Washington không thấy cách nào khác để ủng hộ sự độc lập của Kosovo, theo Charles Kupchan, một thành viên thuộc Hội đồng các quan hệ đối ngoại ở New York. ’’Chắc chắn Kosovo sẽ là mối bất hòa giữa Nga và Mỹ song sẽ không có những diễn biến bất ngờ. Cả hai bên đang cố ngăn chặn mối bất hòa công khai’’, ông nói.
Kuchap tin rằng Mỹ có lẽ rất muốn đưa vấn đề độc lập của Kosovo ra trước Hội đồng Bảo an song Moscow đã ngăn chặn bằng cách đe dọa phủ quyết. Ông và các nhà phân tích khác cho rằng điều tốt đẹp nhất tiếp theo sẽ là sự công nhận chính thức từ càng nhiều nước càng tốt. Điều đó sẽ giúp nâng cao uy tín của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong mắt của một thế giới đầy cảnh giác. Người ta mong đợi sẽ có nhiều nước công nhận Kosovo trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào hôm nay (18/2) ở Brussels.
Dường như Washington cũng hăm hở ủng hộ sự độc lập của Kosovo - nơi có đa số người Hồi giáo, chủ yếu là thế tục, sinh sống - nhằm góp phần giảm khoảng cách với thế giới Hồi giáo và thể hiện dân chủ có thể hoạt động như thế nào tại một nước Hồi giáo.
’’Mối quan hệ Nga-Mỹ đã trượt dốc nhiều kể từ năm 2002 tới nay. Cả hai bên đều có phần nào trách nhiệm. Tôi không thấy bất kỳ ai ở Washington muốn có một mối quan hệ khó khăn hơn với Nga’’, Steven Pifer - cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine và đồng thời là một chuyên gia về Nga tại Trung tâm các nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, nhận định. Sự cải thiện về quan hệ giữa hai nước có lẽ sẽ phải chờ cho tới các cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới tại Nga và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Độc lập không có nghĩa là Mỹ và châu Âu có thể thoát khỏi Kosovo, nơi 16.000 binh sĩ Nato, gồm khoảng 1.000 lính Mỹ, vẫn đang gìn giữ hòa bình. ’’Mỹ muốn thoát khỏi các cam kết chiến lược của Mỹ trong khu vực Balkans song các cam kết sẽ lớn dần và họ sẽ cần đảm nhận một trách nhiệm lớn hơn nhằm đảm bảo bạo lực không bùng nổ. Vai trò của Mỹ vẫn chưa chấm dứt ở Balkans’’, Kupchan nói.
-
Minh Sơn (theo AP, BBC)