221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1034023
Putin: ’’Tôi chưa bao giờ nghiện quyền lực’’
1
Article
null
Putin: ’’Tôi chưa bao giờ nghiện quyền lực’’
,

Với phong thái tự tin và mạnh mẽ, Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo cuối cùng của ông trước báo giới trong và ngoài nước tại điện Kremlin hôm 14/2 đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi về chính sách đối nội, đối ngoại, và cá nhân, khẳng định ông chưa bao giờ nghiện bất kỳ thứ gì, kể cả quyền lực.

p
Tổng thống Putin

Số nhà báo tham dự cuộc họp báo cuối cùng của ông Putin đã đạt mức kỷ  lục, lên tới 1.364 người, so với 400 phóng viên trong cuộc họp báo đầu tiên khi ông lên làm Tổng thống năm 2001. Số nhà báo tham dự năm ngoái là 1.232 người. 

Các cuộc họp báo của ông Putin cũng ngày càng kéo dài hơn. Trong năm 2003, ông Putin trả lời các câu hỏi trong 2 giờ 40 phút. Năm 2004, ông đã nói chuyện với các nhà báo trong 3 giờ 2 phút. Năm ngoái, ông trả lời câu hỏi từ 65 nhà báo trong suốt 3giờ 32 phút. Cuộc họp báo cuối cùng kéo dài 4 giờ, 40 phút.

"Tôi đã làm việc như nô lệ’’

Mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Putin đã khẳng định, 2007 là năm thành công về kinh tế với nước Nga. Bằng chứng là nền kinh tế Nga đứng thứ 7 trên thế giới, thu nhập của người dân Nga tăng cao, tổng thu nhập quốc nội GDP tăng 8,1%. Ông Putin đã đánh giá cao các thành tựu đạt được trong tiến trình cải cách trong nước của Nga. Ông nhấn mạnh, Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong dân chủ và phát triển xã hội như tăng tiền lương, lương hưu và tỉ lệ sinh.

"Tỉ lệ sinh ở Nga đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập niên qua. Tỉ lệ thất nghiệp giảm và mức tăng trưởng gia tăng. Lương hưu đã tăng và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008", Tổng thống Putin phát biểu. Ông kêu gọi cần nỗ lực mạnh hơn để chống lạm phát (hiện đứng ở mức khoảng 12%) và Nga cần ban hành các luật chống tham nhũng. 

Ông Putin thỏa mãn với những kết quả của nhiệm kỳ hai và tuyên bố ông đã đạt được tất cả các mục tiêu mà ông đã đặt ra. ’’Tôi không thấy những thất bại lớn. Tôi đã đạt được mọi mục tiêu của tôi và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tôi chẳng có gì phải hổ thẹn trước các công dân Nga, những người đã hai lần bỏ phiếu cho tôi... Tôi đã làm việc cực nhọc như một nô lệ chèo thuyền trong tám năm qua, từ sáng sớm cho tới đêm khuya’’.

Định làm thủ tướng lâu dài

Vladimir Putin được mong đợi nhường chiếc ghế quyền lực cho Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev sau các cuộc bầu cử tổng thống ngày 2/3. Theo hiến pháp Nga, ông Putin không thể làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp.

’’Tôi chưa bao giờ bị cám dỗ để ở lại làm tổng thống nhiệm kỳ ba. Chưa bao giờ. Từ ngày đầu tiên làm việc trên cương vị của một tổng thống, tôi đã tự quyết định rằng tôi sẽ không bao giờ vi phạm hiến pháp hiện nay. Một số người nghiện thuốc lá, một số người nghiện ma túy và một số người trở nên nghiện tiền bạc. Họ nói rằng cái nghiện tồi tệ nhất là quyền lực. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều đó. Tôi chưa từng nghiện bất kỳ thứ gì’’, ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin cho biết ông dự định trở thành một thủ tướng quyền lực và phục vụ lâu dài sau khi rời điện Kremlin, và đứng đầu chính phủ của người kế nhiệm ông. Tuy nhiên, ông bác bỏ những tin đồn rằng ông sẽ ra lệnh cho người kế nhiệm ông. 

Khi được hỏi ông sẽ làm thủ tướng bao lâu, ông Putin đáp lại rằng "Tôi sẽ không khóc và rất hạnh phúc vì tôi có cơ hội làm việc theo một khả năng khác để phục vụ đất nước tôi. Tôi sẽ làm các nhiệm vụ tương tự như khi tôi là tổng thống. Tôi sẽ tiếp tục làm việc. Tôi đã vạch ra các nhiệm vụ phát triển nước Nga từ năm 2010 cho tới 2020... Chức thủ tướng không phải là một vị trí quá độ. Nếu tôi có thể thấy rằng ở khả năng này tôi có thể hoàn tất được các mục tiêu đặt ra, tôi sẽ làm việc càng lâu càng tốt. Không có câu trả lời khác’’.

Ông Putin nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng ứng viên tổng thống Dmitry Medvedev và sẽ không có vấn đề gì khi hợp tác với ông Medvedev. "Tôi tin đó sẽ là một tổng thống tốt, xứng đáng và là nhà lãnh đạo hiệu quả. Tất nhiên là còn phải tính đến cả "tố chất cá nhân" nhưng tôi tin tưởng ông ấy, thực sự tin tưởng. Và như tôi đã từng phát biểu trong cuộc họp của đảng Nước Nga thống nhất, chẳng có gì phải xấu hổ hay lo ngại khi chuyển giao tất cả quyền kiểm soát quốc gia sang một người như thế".

Ông Medvedev hiện là Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga. Ông Medvedev được mong đợi sẽ giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới nhờ sự hậu thuẫn của ông Putin. Các nhà phân tích chính trị hoài nghi ông Medvedev sẽ nắm giữ chức tổng thống đầy quyền lực của Nga như thế nào và hợp tác hiệu quả ra sao khi cựu cấp trên của ông trở thành cấp dưới.

Hiến pháp Nga quy định thủ tướng chủ yếu đảm nhận vai trò kinh tế trong khi mọi vấn đề an ninh và các bộ quyền lực do tổng thống nắm giữ. Ông Putin nói rằng ông và ông Medvedev sẽ ’’phân chia trách nhiệm của chúng tôi và tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng sẽ không có vấn đề gì hết. Để thiết lập mối quan hệ của tôi với ông Medvedev, tôi sẽ không cần treo chân dung của ông ấy trong phòng làm việc của tôi nếu ông ấy được bầu làm tổng thống’’’.

’’Tổng thống là người bảo đảm hiến pháp. Tổng thống đặt ra những đường hướng chính của các chính sách đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, quyền hành pháp cao nhất ở quốc gia này là chính phủ Liên bang Nga do Thủ tướng đứng đầu’’, ông Putin phát biểu trước các phóng viên

’’Tôi là người giàu nhất châu Âu và thế giới’’

Khi được hỏi về khoản tiền cá nhân hàng tỷ đôla mà tin đồn cho rằng ông đã tích góp được trong suốt tám năm làm tổng thống, ông Putin nói rằng thông tin đó là ’’vớ vẩn’’. ’’Tôi đã thấy một số báo đưa tin về việc này. Đó chỉ là những tin đồn nhảm không đáng thảo luận. Họ móc nó ra từ lỗ mũi của họ và bôi nó lên mặt báo’’, ông nói.

Cuối năm ngoái, báo chí phương Tây trích lời Stanislav Belkovsky, một nhà phân tích chính trị có quan hệ gần gũi với Kremlin, rằng ông Putin kiểm soát các cổ phần trong các công ty dầu khí Nga trị giá khoảng 40 tỷ USD. Những cố phần này được giấu đằng sau một mạng lưới các quỹ tín thác không minh bạch ở nước ngoài. Nếu khẳng định này là đúng, ông Putin sẽ là người giàu nhất châu Âu.

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian của Anh và tờ Die Welt của Đức, Belkovsky khẳng định Putin bí mật kiểm soát 37% công ty dầu Surgutneftegaz, 45% công ty Gazprom và ít nhất là 75% Gunvor - một công ty buôn bán dầu mỏ ở Thụy Sĩ.

Thay vào đó, ông Putin đáp lại bằng một nụ cười: ’’Tôi là người đàn ông giàu nhất châu Âu và cả thế giới này. Tôi thu thập cảm xúc từ những người đã chọn tôi lãnh đạo đất nước này hai lần. Sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Nga là sự giàu có lớn nhất của tôi’’.

Báo cáo của ông Putin trước Ủy ban bầu cử trung ương Nga với tư cách là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga) cho biết ông sở hữu một căn hộ ở thành phố St. Petersburg, hai xe ôtô thời kỳ Liên Xô, một mảnh đất bên ngoài Moscow và 149.000 USD trong các tài khoản ngân hàng.

Chĩa tên lửa để đảm bảo an ninh Nga

Nói về an ninh Nga, ông Putin cho biết Kremlin đã buộc phải tăng cường phòng thủ tên lửa do Mỹ dự định triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở Đông Âu. Ông tuyên bố Nga sẽ phải chĩa tên lửa của nước này vào Ukraine, Ba Lan và CH Séc nếu Mỹ triển khai các bộ phận của lá chắn tên lửa Đông Âu tại những quốc gia này. 

Mỹ đang đàm phán để đặt 10 tên lửa đánh chặn trên đất Ba Lan và một trạm radar ở CH Séc. Tuy  nhiên, Nga đã kịch liệt phản đối kế hoạch này, nói rằng kế hoạch đe dọa tiềm năng tên lửa hạt nhân Nga. Tuy  nhiên, Mỹ cho rằng hệ thống này không nhằm vô hiệu hóa tên lửa hạt nhân của Nga mà nhằm bảo vệ châu Âu trước các cuộc tấn công tiềm năng từ cái mà Mỹ gọi là ’’các quốc gia thù địch’’, chẳng hạn như Iran và Triều Tiên.

’’Các chuyên gia của chúng tôi tin rằng hệ thống này đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi. Nếu nó xuất hiện, chúng tôi sẽ phải phản ứng kịp thích đáng. Chúng tôi có thể sẽ phải chĩa tên lửa của chúng tôi vào những mục tiêu đe dọa an ninh của chúng tôi’’. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Nga chỉ chĩa tên lửa hạt nhân trong trường hợp ’’cực kỳ cần thiết’’.

Tổng thống Nga tuyên bố, nước ông sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra của máy bay ném bom chiến lược bất chấp những tranh cãi gần đây với Mỹ và phương Tây. Tuy  nhiên, ông tuyên bố Nga không quan tâm tới việc quay trở lại cuộc Chiến tranh lạnh. ’’Các nhiệm vụ chính của chúng ta là phát triển trong nước, giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của nước Nga’’, ông nói. Ông cũng nói rằng sẽ không có xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga, bất chấp những bất đồng hiện nay giữa hai nước

Tổng thống Putin nói rằng công nhận sự tuyên bố độc lập của tỉnh Kosovo sẽ là ’’vô đạo đức và bất hợp pháp’’, bật đèn xanh cho các phong trào li khai ở lục địa này. Các nước châu Âu ủng hộ nỗ lực của Kosovo tách khỏi Serbia nên ’’hổ thẹn’’ về chính sách hai mặt của họ. ’’Tôi không muốn nói bất kỳ điều gì xúc phạm tới ai đó, song trong 40 năm qua miền Bắc đảo Cyprus trên thực tế đã độc lập. Tại sao các bạn lại không công nhận độc lập cho miền Bắc đảo Cyprus? Những người châu Âu, các bạn không cảm thấy  hổ thẹn hay sao khi duy trì chính sách hai mặt này?’’.

Ông Putin đã bác bỏ những lập luận rằng Kosovo là ’’trường hợp đặc biệt’’. ’’Tất cả đều là những lời dối trá. Không có trường hợp đặc biệt nào cả và tất cả mọi người đều hiểu rõ điều đó’’, ông Putin nói.Theo ông, Kosovo được xếp cùng loại với các cuộc xung đột li khai tại những vùng thuộc Liên Xô cũ, chẳng hạn như Abkhazia, Nam Ossetia và Trans-Dniester. Ông nói rằng Nga - một đồng minh truyền thống của Serbia ’’có sẵn một kế hoạch và chúng tôi biết chúng tôi sẽ phải làm gì’’ nếu Kosovo tuyên bố độc lập.

’’Về dạy vợ cách nấu súp bắp cải’’

Ông Putin chỉ trích việc Văn phòng các sáng kiến dân chủ và nhân quyền (ODIHR) của OSCE từ chối gửi quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 2/3 tới, nói rằng Moscow sẽ không khuất phục trước áp lực bên ngoài. Ông nói rằng Nga sẽ hoàn thành các nghĩa vụ với tư cách là một thành viên của OSCE song ông cáo buộc các nhóm bên trong OSCE đang cố ’’dạy’’ Nga cách cư xử. ’’Hãy để họ dạy vợ cách nấu súp bắp cải’’.

ODIHR thông báo trong tháng này rằng họ sẽ không cử các quan sát viên tới Nga, cáo buộc Nga áp đặt các hạn chế để ngăn cản văn phòng này thực hiện một sứ mạng giám sát hiệu quả. Nghị viện của OSCE cũng tránh xa cuộc bầu cử này. ODIHR không hài lòng khi các giám sát viên của cơ quan này chỉ được phép bắt đầu hoạt động tại Nga ba ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống 2/3, nói rằng Moscow đang cố đơn phương thay đổi các nghĩa vụ quốc tế của Nga. 

ODIHR đã viết thư cho Ủy ban bầu cử trung ương Nga yêu cầu cho phép các quan sát viên đầu tiên trong số 70 quan sát viên được phép làm việc ở Nga vào đầu tháng 2

Putin nói rằng các nhóm trong OSCE không có quyền đòi hỏi về thời gian hoặc quy mô tiến hành giám sát. ’’Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai áp đặt điều kiện với chúng tôi’’, ông Putin nói.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,