221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1033761
Israel tìm sự hậu thuẫn quốc tế cho chiến dịch Gaza
1
Article
null
Israel tìm sự hậu thuẫn quốc tế cho chiến dịch Gaza
,

Israel hôm 13/2 đã đưa gần 70 đại sứ nước ngoài tới biên giới của nước này với dải Gaza trong chiến dịch ngoại giao thu hút sự ủng hộ của quốc tế đối với hành động quân sự quy mô lớn chống lại nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas.

c
Cảnh sát Israel thu nhặt vỏ quả tên lửa do các chiến binh bắn sang từ Gaza
Ngoại trưởng Tzipi Livni nói với các đại sứ tại trạm kiểm soát Erez rằng các vụ bắn tên lửa xuyên biên giới mà các chiến binh ở Gaza tiến hành đã tạo ra tình hình ’’không thể chịu đựng nổi’’ và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. ’’Israel phải hành động để giảm bớt những mối đe dọa này’’, bà nói.

Ramiro Cibrian-Uzal, Đại sứ EU tại Israel, đã lên án hành động bắn tên lửa và kêu gọi ngừng hành động này ngay lập tức và vô điều kiện. Tuy nhiên, ông cho rằng: ’’EU không coi chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Gaza là một ý tưởng hay và chúng tôi không tin chiến dịch đó sẽ là một giải pháp vĩnh viễn cho các vấn đề mà Israel đang phải đương đầu’’.

Ngay sau khi các nhà ngoại giao rời thành phố Sderot, nơi hứng chịu nhiều tên lửa nhất từ Gaza, một quả tên lửa đã rơi trúng một căn nhà tại đây. Các vụ bắn rocket hàng ngày đã gây ra sự căm phẫn ở Israel.

Theo các nhà phân tích, một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại dải Gaza đông dân, nơi chịu sự phong tỏa của Israel trong nhiều tháng qua, có thể mang lại sự thất vọng lớn đối với Israel. Cho tới nay, Thủ tướng Israel Olmert vẫn tỏ ra thận trọng, không muốn mở một chiến dịch trên bộ quy mô lớn, cho rằng không có giải pháp tức thời cho hành động bắn rocket hàng ngày từ Gaza và chiến dịch quân sự có thể gây thương vọng nặng nề cho cả hai phía.

Tuy  nhiên, ông Olmert đang chịu sức ép ngày càng tăng ở trong nước sau khi Hamas nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết ở miền Nam Israel tuần trước và một bé trai Israel 8 tuổi mất một chân trong vụ tấn công bằng rocket vào thành phố Sderot hôm thứ bảy tuần trước. Ông Olmert, người đã thăm Đức để tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến dịch quân sự ở Gaza, nói rằng Israel đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Israel nói rằng nước này có thể duy trì hai chính sách song song với người Palestine,  một chính sách nhằm phá vỡ sự kiểm soát Gaza của Hamas và chính sách còn lại nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Palestine Abbas ở bờ Tây. Các lực lượng do phương Tây hậu thuẫn của ông Abbas đã bị Hamas hất cẳng khỏi Gaza vào tháng 6/2007.

Các vụ tấn công bằng tên lửa đã gây tranh cãi bên trong và ngoài chính phủ Israel. Các bộ trưởng hàng đầu kêu gọi quân đội ám sát các lãnh đạo chính trị và quân sự của Hamas, cũng như san bằng các khu vực ở Gaza nơi những quả tên lửa được phóng vào lãnh thổ Israel. Các cuộc không kích thường xuyên và tấn công trên bộ của Israel vào dải Gaza đã làm 300 người Palestine thiệt mạng trong năm ngoái song vẫn không ngăn được các cuộc bắn tên lửa.

Bị phương Tây cô lập do từ chối từ bỏ bạo lực và công nhận nhà nước Do Thái, Hamas tuyên bố sẽ ngừng bắn tên lửa nếu Israel ngừng các chiến dịch quân sự ở Gaza và bờ Tây. Hamas cũng đòi chấm dứt sự phong tỏa Gaza, nơi 1,5 triệu dân đang phải chịu cảnh thiếu thốn về lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Mặc dù đảng Fatah của ông Abbas vẫn thù địch với Hamas sau khi nhóm này chiếm Gaza, ông Abbas và chính phủ của ông đã công khai chỉ trích việc Israel leo thang các hành động quân sự cũng như những lời đe dọa ám sát các lãnh đạo Hamas. Israel hôm 13/2 đã phủ nhận sự dính líu tới vụ giết tư lệnh cấp cao Imad Moughniyah của Hezbollah tại Syria. Hezbollah, Hamas và đồng minh Iran của họ đều đổ lỗi cho Israel và Hamas cảnh báo sẽ trả đũa nếu Israel ám sát bất kỳ lãnh đạo nào của nhóm này tại Gaza.

  • Minh Sơn (theo AP, Reuters)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,