Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica hôm 13/2 kêu gọi người Serbia ở Kosovo không rời khỏi tỉnh này sau khi người Albania tuyên bố Kosovo độc lập.
Kosovo hiện là một tỉnh thuộc Cộng hòa Serbia nhưng do Liên hợp quốc quản lý từ sau một chiến dịch không kích của NATO nhằm trục xuất các lực lượng của Belgrade tại vùng đất này năm 1999.
Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica (Ảnh AP)
Các lãnh đạo người Albania, tộc người chiếm đa số ở Kosovo, dự kiến sẽ tuyên bố tách tỉnh khỏi Serbia trong vòng vài ngày tới. Mỹ và nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ nhanh chóng công nhận Kosovo độc lập bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Serbia và đồng minh Nga.
Hôm 13/2, Thủ tướng Serbia Kostunica khẳng định chính phủ của ông sẽ không bao giờ công nhận sự ly khai của Kosovo.
"Đây là một quyết định có tính lịch sử bởi nó có nghĩa Serbia bác bỏ sự tồn tại của một nhà nước giả mạo trên vùng lãnh thổ của mình một lần và mãi mãi. Quan điểm cuối cùng của chúng tôi là không thế lực nào trừ Serbia có thể tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Kosovo. Không có thế lực nào có thể tước đoạt, đe dọa hoặc ép buộc Serbia từ bỏ quyền đó", ông Kostunica nói.
Theo kế hoạch, chính phủ Serbia sẽ nhóm họp hôm nay (14/2) để tiến hành những biện pháp phòng ngừa Kosovo ly khai. Người ta tin rằng các biện pháp này bao gồm cả những động thái trả đũa bất kỳ nước nào công nhận Kosovo là một quốc gia mới.
Các quan chức cho hay Belgrade sẽ tìm cách kiểm soát các vùng tập trung đông người Serbia ở Kosovo. Động thái này được cho là sẽ dấy lên cẳng thẳng và sự chia rẽ sắc tộc tại tỉnh bất ổn này.
Hiện có nhiều lo ngại rằng khoảng 100.000 người Serbia sẽ rời bỏ nhà cửa ở Kosovo nếu tỉnh tách khỏi Serbia. Cuối những năm 1990, khoảng 200.000 người Serbia từng bỏ chạy khỏi đây trước những cuộc giao tranh giữa quân đội Serbia và các tay súng đòi ly khai cho Kosovo.
Các cuộc đàm phán quốc tế về tương lai của Kosovo cho tới thời điểm này đã không thể đưa tới một thỏa thuận giữa chính phủ Serbia và các lãnh đạo người Albania ở tỉnh này.
NATO cho biết tổ chức này sẽ thiết lập các trạm kiểm soát và tăng cường tuần tra khắp Kosovo trong vài ngày tới. Trong khi đó, một nhà ngoại giao EU tiết lộ liên minh sẽ sớm đưa ra quyết định triển khai một phái đoàn gồm 1.800 thành viên tới hỗ trợ chính quyền Kosovo giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, luật pháp và hải quan.
-
Thanh Bình (Theo AP, Reuters, AFP)