Nếu quốc hội bị giải tán, các vòng bỏ phiếu mới sẽ phải diễn ra trong vòng 60 ngày. Điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu chính phủ vốn đang lung lay của Thủ tướng Nouri al-Maliki. Hiện, gần một nửa trong số 40 vị trí trong nội các của ông Al-Maliki đang bị bỏ trống.
Sự xáo trộn có thể gây tổn hại đến mục đích của kế hoạch tăng quân đồn trú Mỹ tại Iraq. Năm ngoái, Washington đã quyết định gửi thêm binh sĩ tới quốc gia Trung Đông nhằm kiềm chế bạo lực, giúp chính phủ và quốc hội Iraq có thể tập trung vào các biện pháp hòa giải bất đồng giữa người Shi’ite chiếm đa số với các nhóm người Sunni và Kurd thiểu số ở nước này.
Chủ tịch quốc hội Iraq Mahmoud al-Mashhadani (Ảnh Reuters)
Bạo lực đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các tiến triển chính trị rất mong manh.
Hiến pháp Iraq cho phép Mahmoud al-Mashhadani, vị chủ tịch quốc hội nóng tính và cũng là thành viên của phe Sunni thiểu số, giải tán cơ quan lập pháp nếu một phần ba số nghị sĩ yêu cầu động thái này và đa số các nhà lập pháp tán thành nó. Chủ tịch Al-Mashhadani nói đã có đủ sự hậu thuẫn cần thiết cho quyết định giải tán từ 5 đảng phái chính trị. Dẫu vậy, ông từ chối tiết lộ tên của các đảng phái này.
Theo ông Al-Mashhadani, Bộ tài chính Iraq đã mất 3 tỉ USD vì ngân sách không được thông qua trước cuối năm 2007. Ông Al-Mashhadani không giải thích lí do tại sao số tiền này lại bị mất. Chủ tịch quốc hội đổ lỗi sự thiếu hụt ngân sách cho các chính trị gia người Kurd, những người đã từ chối rút lại yêu cầu rằng chính quyền địa phương, bán tự trị của họ phải được hưởng 17% thu nhập quốc dân.
Công thức tính 17% dành cho người Kurd đã được áp dụng cho các kỳ ngân sách trước kia. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Sunni và Shiite đã tìm cách hạ xuống còn 14%. Lập luận của họ là số dân người Kurd trong tổng số dân toàn quốc gần con số 14% hơn là 17% như các chính trị gia người Kurd vẫn khăng khăng. Các con số chỉ là ước tính do Iraq đã không điều tra dân số trong nhiều thập niên qua.
Các nghị sĩ người Shi’ite đã bỏ ngang phiên họp đêm hiếm hoi hôm 12/2 khi phe người Kurd nhất quyết từ chối rút lại đề xuất gộp việc bỏ phiếu về ngân sách với việc bỏ phiếu về hai dự luật gây tranh cãi khác.
Sau phiên họp này, nhà lập pháp thuộc Phong trào Sadrist Bahaa al-Araji cho biết: "Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng về niềm tin tiếp tục lan rộng và sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của chính phủ. Chúng ta hiện phải thừa nhận rằng tiến trình chính trị đã thất bại và cần phải kêu gọi giải tấn quốc hội và tổ chức bầu cử sớm".
Trong một diễn biến riêng rẽ cùng ngày, văn phòng của giáo sĩ cực đoan người Shiite Muqtada al-Sadr ra tuyên bố lên án vụ bắt cóc hai nhà báo của kênh tin tức CBS ở thành phố Basra, miền nam Iraq. Cảnh sát khẳng định họ đang tích cực tìm kiếm các con tin ngoại quốc.
-
Thanh Bình (Theo AP, USA Today)