Thượng nghị sĩ Clinton đang tìm cách cản đà chiến thắng của đối thủ Barack Obama trước khi ba cuộc bỏ phiếu sơ bộ chọn ứng viên tổng thống cho đảng Cộng hòa và Dân chủ diễn ra vào hôm nay (12/2), tại Maryland, Virginia và Washington D.C.
Clinton và Obama |
Đối với bà Clinton, đây là thời điểm quá độ và nhìn lại. Quyết định cải tổ nhân sự nhóm vận động tranh cử - thay thế người quản lý Patti Solis Doyle bằng một người bạn thân lâu năm Maggie Williams - là dấu hiệu lo ngại rõ ràng về khả năng của bà Clinton ngăn chặn đà chiến thắng của ông Obama.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Obama đang dẫn trước không mấy cách biệt bà Clinton tại Maryland, Virginia và Washington D.C. Cả hai ứng viên đã vận động tranh cử quyết liệt để thu hút sự ủng hộ của cử tri tại các nơi này trước khi diễn ra cái gọi là Các cuộc bỏ phiếu Potomac vào ngày 12/2. Tên này được đặt theo con sông chạy qua hai bang Maryland, Virginia và Thủ đô của nước Mỹ.
Clinton và Obama coi cuộc bỏ phiếu ở Virginia là cuộc đua tranh khốc liệt nhất của họ trong Các cuộc bỏ phiếu Potomac bởi bang này chỉ có 19,6% dân số là người Mỹ gốc Phi, so với 55% ở Washington D.C và 29% ở Maryland. Các cử tri da đen là nguồn ủng hộ đáng tin cậy nhất của ông Obama mặc dù ông có thể thu hút cử tri từ các sắc tộc khác.
Clinton là ứng viên đầu tiên xuất hiện ở bang Virginia, phát biểu trước 2.000 học sinh trung học ở Arlington. Trong khi đó, ông Obama tuyên bố: ’’Chúng ta đã giành chiến thắng ở Louisiana, ở Nebraska và bang Washington. Và tôi tin tưởng chúng ta có thể chiến thắng ở Virginia vào thứ Ba’’.
Howard Wolfson, Giám đốc thông tin trong chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton, nói rằng ’’Virginia là một bang nơi Thượng nghị sĩ Obama có lợi thế lớn, cùng với Maryland và các bang khác sẽ bỏ phiếu trong tháng 2. Từ lâu chúng tôi đã tính tới thực tế này trong kế hoạch tranh cử’’.
Tuy vậy, phe Clinton vẫn cố gắng tận dụng ’’một số cơ hội độc nhất vô nhị’’ để giành giật các đại biểu tại Virginia. Các động thái trong những ngày gần đây cho thấy Virginia được coi là mục tiêu cơ hội chắc chắn nhất của bà Clinton. Theo nhà chiến lược chính trị kỳ cựu của đảng Dân chủ, Paul Goldman, cơ hội chiến thắng của Clinton và Obama tại Virginia là như nhau và khó có thể dự đoán được kết quả.
Theo các nhà phân tích chính trị, cử tri mục tiêu của Clinton ở Virginia là những người Mỹ Latinh sống ở thành phố, các nhân viên chính phủ, các cựu binh ở bắc bang này cũng như phụ nữ ở vùng phía nam. Chủ đề tranh cử của bà Clinton tập trung vào nền kinh tế Mỹ. Các cử tri mục tiêu của ông Obama là những người da đen, các trí thức trẻ, công nhân khai thác than.
Khả năng tiếp tục chiến thắng giòn giã của ông Obama trong ngày 12/2 sẽ đặt bà Clinton vào thế buộc phải thắng trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Texas và Ohio vào ngày 4/3 tới. ’’Bà ấy phải thắng lớn ở cả Ohio và Texas, nếu không bà ấy sẽ thua cuộc’’, một siêu đại biểu giấu tên, người ủng hộ bà Clinton, cho biết. Các cố vấn của bà Clinton cũng khẳng định quan điểm này.
Một số siêu đại biểu ủng hộ bà Clinton nói rằng họ đang dao động trước đà chiến thắng của ông Obama hồi cuối tuần trước. Các cố vấn của bà Clinton cho rằng các siêu đại biểu nên ủng hộ ứng viên mà họ tin sẽ là ứng viên tốt nhất và tổng thống tốt nhất. Trong khi đó, các trợ lý của ông Obama nói rằng các siêu đại biểu nên phản ánh nguyện vọng của cử tri và tất nhiên cũng nên xem xét ai là ứng viên tốt nhất.
Các siêu đại biểu là những lãnh đạo và các quan chức được bầu của đảng Dân chủ. Lá phiếu của họ có thể quyết định ai trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ nếu không có ứng viên nào giành được đủ số đại biểu cần thiết sau khi các cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại các bang kết thúc. Các siêu đại biểu có thể thay đổi quyết định ủng hộ của họ từ nay cho tới khi diễn ra hội nghị toàn quốc của đảng.
Mỗi ứng viên cần phải giành được 2.025 đại biểu để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. ’’Đại biểu’’ và ’’siêu đại biểu’’ là những người sẽ tham dự hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8 tới để chính thức chọn ứng viên tổng thống cho đảng của họ. Cho tới nay, bà Clinton đã thắng tại 12 bang và giành được 1.136 đại biểu. Trong khi đó, ông Obama đã thắng tại 19 bang với 1.108 đại biểu.
Về phía đảng Cộng hòa, người có triển vọng trở thành ứng viên tổng thống, John McCain, hy vọng thu được kết quả tốt trong Cuộc bỏ phiếu Potomac. Kết quả thăm dò dư luận tại các bang trên cho thấy ông đang chiếm ưu thế. Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Washington hôm thứ bảy tuần trước, Thượng nghị sĩ bang Arizona này vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa để thống nhất đảng của ông.
Ông McCain tiếp tục bị các lãnh đạo đảng Cộng hòa chỉ trích, những người hoài nghi về sự bảo thủ của ông, mặc dù Tổng thống Bush tuần trước đã mô tả ông McCain là ’’một người bảo thủ thực sự’’.
Hai ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa là Huckabee và Ron Paul đang chịu áp lực để bỏ cuộc đua vì sự thống nhất của đảng này. Tuy nhiên, ông Huckabee nói rằng ông không có ý định rút lui sau khi giành chiến thắng tại bang Kansas và Louisiana - một cú huých lớn đối với ông. Các cố vấn tranh cử của ông Huckabee cho rằng ông có lý do đơn giản để tiếp tục cuộc đua. Sự ở lại của ông sẽ không ảnh hưởng tới McCain, mà sẽ giúp thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông vào cuộc đua của đảng Cộng hòa, thay vì vào đảng Dân chủ như hiện nay.
Ông McCain hiện đang dẫn đầu cách biệt với 719 đại biểu so với 234 của ông Huckabee và 14 của ông Ron Paul. Ông Romney, người đã bất ngờ bỏ cuộc đua vào tuần trước, vẫn nắm 298 đại biểu.
-
Minh Sơn (tổng hợp)