Sự sống còn của Nato - một trụ cột của chính sách an ninh Mỹ trong 6 thập kỷ qua - đang bị đe dọa trong cuộc tranh cãi về cách Mỹ và châu Âu chia sẻ gánh nặng của việc chống chủ nghĩa cực đoan hồi giáo tại Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu hôm 10/2.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (ảnh AFP) |
Washington có vô số bất đồng với các đồng minh Nato trong 59 năm qua, kể từ khi khối quân sự này được thành lập như một đối trọng chống lại Liên Xô. Tuy nhiên, ông Gates đã mô tả bất đồng hiện nay về tầm quan trọng của sứ mạng tại Afghanistan và cách thực hiện thành công sứ mạng đó là bất đồng lớn nhất.
Một chủ đề trung tâm trong bài diễn văn của ông Gates là việc ông khẳng định rằng các phần tử khủng bố al-Qaeda, hoặc ở Afghanistan hoặc ở những nơi khác, là mối đe dọa châu Âu nghiêm trọng hơn so với nhiều người châu Âu vẫn nghĩ. Bài phát biểu này là động thái mới nhất trong chiến dịch mà ông Gates đang tiến hành để thuyết phục các đồng minh Nato cung cấp thêm quân và nguồn lực cho sứ mạng tại Afghanistan.
Sau bài phát biểu, ông Gates đã trả lời câu hỏi của hàng chục quan chức chính phủ, chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, cũng như các sĩ quan quân đội, các chuyên gia an ninh tư nhân, các thành viên của nghị viện châu Âu và Quốc hội Mỹ.
Một nghị sĩ Nga đã cáo buộc Mỹ đã tạo ra al-Qaeda ngày nay thông qua việc ủng hộ phong trào phản kháng mujahadeen này chống lại việc Liên Xô chiếm đóng Afghanistan vào những năm 1980. Ông Gates đã bác bỏ cáo buộc trên song nói rằng ông lấy làm tiếc về việc Mỹ đã bỏ Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989.
’’Mối đe dọa từ al-Qaeda bắt đầu bằng việc Liên Xô xâm lược một quốc gia có chủ quyền vào tháng 12/1979, một quốc gia mà cho tới thời điểm đó không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai trên thế giới, ngoại trừ là mối đe dọa đối với chính người dân của nước này ở một mức độ nào đó do sự yếu kém và đói nghèo’’, ông Gates đáp lại câu hỏi của phía Nga.
Phó Thủ tướng Nga, Sergei Ivanov, cũng phát biểu tại hội nghị. Ông ủng hộ việc liên kết chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế song cho rằng Mỹ có những động cơ không phù hợp với Nga và các quốc gia khác. ’’Một số nước cố lợi dụng các hoạt động chống khủng bố, lấy đó làm cớ để đạt các mục tiêu địa chính trị và kinh tế của riêng họ’’, ông Ivanov nói, rõ ràng đề cập tới cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003.
Trong bài phát biểu, ông Gates đã ca ngợi các đồng minh Nato về những đóng góp tại Afghanistan. Tuy nhiên, ông nói rằng cần phải nỗ lực hơn và liên minh này phải tìm cách giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban đang trỗi dậy. ’’Trong Nato, một số đồng minh không nên chỉ lựa chọn tham gia các hoạt động dân sự và ổn định, buộc các đồng minh khác phải è vai gánh vác phần công việc chiến đấu nguy hiểm’’, ông Gates nói, không đề cập tới các nước cụ thể.
Thông qua Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế (ISAF), Nato chịu trách nhiệm về sứ mạng quân sự tại Afghanistan, mặc dù tư lệnh hàng đầu là một người Mỹ (Tướng aniel McNeill) và Mỹ có nhiều quân nhất. Trong số 42.000 quân ISAF, có khoảng 14.000 lính Mỹ. Mỹ có thêm 13.000 binh sĩ nữa truy lùng các phần tử khủng bố và huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan.
Theo Tư lệnh tối cao Nato, Tướng John Craddock, quân đội ở Afghanistan sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn nếu có những nguồn lực mà các thành viên Nato hứa hẹn cách đây hơn 1 năm. Ông nói rằng ISAF hiện thiếu ít nhất ba tiểu đoàn, cũng như các thiết bị giám sát, do thám và tình báo phục vụ các chiến dịch trên bộ.
Trong bài diễn văn, ông Gates nói rằng chính quyền Bush đã học được từ những sai lầm tại Iraq, rằng phải kết hợp các nỗ lực quân sự với các nỗ lực bình ổn dân sự. Mỹ và Nato phải áp dụng bài học đó ở Afghanistan để đảm bảo thành công. Ông trực tiếp kêu gọi châu Âu ủng hộ cuộc chiến ở Afghanistan, cảnh báo bạo lực và khủng bố có thể gia tăng toàn thế giới nếu Nato thất bại tại đó.
-
Minh Sơn (theo AP, BBC)