Moscow hôm qua (29/1) cảnh cáo LHQ và EU không nên tiến hành bất cứ hành động đơn phương nào với Kosovo vì việc đó sẽ tạo ra một "tiền lệ tiêu cực".
Một nhóm ủng hộ Kremlin muốn Kosovo vẫn thuộc Serbia, biểu tình bên ngoài văn phòng EU tại Moscow.(Ảnh Getty Image)
Tháng trước, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gửi một lực lượng mạnh gồm 1.800 cảnh sát và các viên chức pháp lý tới Kosovo để duy trì ổn định sau khi khu vực này tuyên bố độc lập, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
"Chúng tôi hy vọng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và các đối tác của Nga nhận thức được những dấu hiệu tiêu cực của kịch bản đơn phương và hành động vi phạm Hiến chương LHQ để từ đó kiềm chế, không làm những việc có thể tạo ra tiền lệ tiêu cực cho quan hệ quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynin cho biết trong một thông báo bằng văn bản.
"Chúng tôi hiểu rằng EU muốn có vai trò năng động hơn trong vấn đề Kosovo, nhưng họ chỉ làm được như vậy nếu các điều kiện được thỏa mãn". Ông Kamynin nói, bất cứ sự hiện diện dân sự quốc tế mới nào ở Kosovo đều phải có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan mà Nga giữ một vai trò thường trực.
Kể từ năm 1999, LHQ đã điều hành Kosovo cùng với lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 16.000 quân của NATO.
Tuy nhiên, một quan chức EU bác bỏ tuyên bố của Nga rằng lực lượng của EU sẽ vi phạm nghị quyết hiện hành của LHQ. Quan chức từ chối nêu tên này cho hay, nghị quyết cho phép sự hiện diện của quốc tế tại Kosovo, một tỉnh của Serbia, không cần sự cho phép của LHQ. Theo ông này, hầu hết các chính phủ trên thế giới đều nhất trí rằng Kosovo là trách nhiệm của EU.
Nỗ lực tuyên bố độc lập của Kosovo là yếu tố lớn trong cuộc tranh cử Tổng thống Serbia. Ứng viên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Tomislav Nikolic sẽ đấu với ứng viên ủng hộ phương Tây Boris Tadic trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật tới. Kết quả bầu cử sẽ quyết định Serbia sẽ siết chặt quan hệ với phương Tây hay hướng về Nga.
Cả ông Tadic, đắc cử năm 2004 và ông Nikolic đều phản đối Kosovo giành độc lập. Tuy nhiên, ông Tadic ủng hộ Serbia gia nhập EU trong khi ông Nikolic ủng hộ thắt chặt quan hệ với Nga.
Hôm thứ hai, EU đã đưa cho Serbia một gói đề xuất gồm thắt chặt quan hệ chính trị, hiệp định tự do thương mại và hợp tác giáo dục, như một phần của thỏa thuận để đưa Serbia trở thành thành viên của EU.
EU hy vọng Serbia sẽ ký vào hiệp định ngày 7/2 bất kể kết quả bầu cử là gì.
Theo quan chức EU, lực lượng an ninh mà EU phái tới Kosovo, tách biệt với lực lượng của LHQ, sẽ thay thế lực lượng cảnh sát hiện nay của LHQ khi khu vực này tuyên bố độc lập.
-
Hoài Linh (Theo CNN)