Năm nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Đức đã thông qua việc áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt Iran trong đó có việc hạn chế giao dịch thương mại và lệnh cấm đi lại với các nhà khoa học hạt nhân Iran.
Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã nhất trí với bản dự thảo mới yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức tài chính và quân đội Iran, mở rộng lệnh cấm đi lại với các nhà khoa học hạt nhân và một số quan chức cấp cao Iran, phong tỏa tài khoản của cá nhân và một số ngân hàng.
Nhà máy hạt nhân Bushehr, Iran (Ảnh AP)
Trước đó, LHQ đã thông qua hai nghị quyết trừng phạt Iran do nước này vẫn tiếp tục làm giàu uranium. Tehran phủ nhận cáo buộc cho rằng, họ theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Dự thảo mới còn bao gồm việc hạn chế các tổ chức giao dịch thương mại với Iran, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa để đảm bảo rằng các nước không bán cho Iran bất kể thứ gì có trong danh mục cấm.
Năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức đã mất vài tháng để đạt được sự thỏa thuận về dự thảo mới. "Chúng tôi hy vọng nghị quyết mới sẽ truyền tải cho Iran thông điệp rõ ràng rằng, tiếp tục phớt lờ nghị quyết của Hội đồng là không thể tha thứ được’’, đại diện Mỹ tại LHQ, Alejandro Wolff, cho biết.
Theo ông Nicholas Burns, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nghị quyết mới nhằm mục đích trừng phạt Tehran. "Đây là một nghị quyết trừng phạt, tôi nói như vậy vì đã nghe một số bình luận cho rằng không phải’’, ông Burns nói.
Tuyên bố của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ là sự phản ứng với phát biểu của Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov. Ông Sergei nhấn mạnh, dự thảo được nhất trí không quy định các biện pháp mới cứng rắn chống lại Iran.
Các nghị quyết trừng phạt Tehran trước đây bao gồm lệnh cấm bán bất kể nguyên vật liệu nào có thể giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân, phong tỏa tài khoản của cá nhân và các ngân hàng liên quan đến công việc hạt nhân của Iran.
Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân họ theo đuổi phục vụ mục đích dân sự.
Quan chức ngoại giao phương Tây đã thừa nhận rằng, nghị quyết dự thảo được thông qua là một sự thỏa hiệp. Mỹ và các đồng minh châu Âu muốn các biện pháp cứng rắn hơn, nhưng Nga và Trung Quốc lại không mong như vậy.
Sáu cường quốc sẽ không dễ dàng gì để đạt được một nghị quyết chống lại Iran tại Hội đồng Bảo an vì Libya, Indonesia, Việt Nam và Nam Phi có thể phản đối.
Kỳ Thư (Theo AP, BBC)