Cơ quan đại diện cho các cử tri Dân chủ tại nước ngoài sẽ tổ chức cuộc bầu cử toàn cầu lần đầu tiên từ ngày 5 - 12/2. Theo đó, ngoài việc tự mình tới các trạm bỏ phiếu ở hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới, các cử tri Dân chủ đang sinh sống ở nước ngoài có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ yêu thích qua Internet, fax hoặc gửi thư qua đường bưu điện.
Các cử tri Mỹ đang làm thủ tục bỏ phiếu tại một đơn vị bầu cử ở New Hampshire hôm 8/1 (Ảnh AP)
Cơ quan chuyên trách của đảng Dân chủ đặc biệt tự hào về hệ thống bỏ phiếu trực tuyến. Đây được coi là một giải pháp mới, thay thế cho quá trình tuyển cử thông thường, phức tạp và không đáng tin cậy dành cho các cử tri sống bên ngoài nước Mỹ.
Các công dân Mỹ muốn bầu cử trực tuyến phải đăng kí với cơ quan phụ trách cử tri ở nước ngoài của đảng Dân chủ trước ngày 1/2 và khẳng định họ thích bỏ phiếu qua Internet hơn là tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ tại địa phương, nơi họ từng sống ở Mỹ. Họ sẽ phải cam kết sẽ không bầu tổng thống 2 lần nhưng vẫn có thể tham gia các cuộc bỏ phiếu khác (không bầu tổng thống) ở địa phương.
Các cử tri sẽ nhận được một con số nhận dạng cá nhân từ công ty quản lý cuộc bầu cử trực tuyến có tên gọi Everyone Counts Inc. Sau đó, họ có thể sử dụng con số được cấp để đăng nhập vào trang web bầu cử và bỏ phiếu cho ứng viên yêu thích. Lá phiếu của họ sẽ được 22 đại biểu trình lên Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8.
Theo Lori Steele, tổng giám đốc điều hành Everyone Counts Inc., công ty này đã xây dựng phần mềm bầu cử an toàn, đáng tin cậy được một thập niên. Công ty chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bỏ phiếu trực tuyến cho Công đảng Anh kể từ năm 2000 và các cuộc bầu cử khác tại đảo quốc sương mù kể từ năm 2003.
Bà Steele cho biết nhiều bang ở Mỹ đã liên lạc với công ty để bày tỏ mong muốn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến cho các cử tri đang sống tại nước ngoài, trong quân ngũ hoặc các cử tri khuyết tật trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2008.
-
Thanh Bình (Theo AP)