Mặc dù được đánh giá là những ứng cử viên tổng thống sáng giá ngay từ đầu nhưng cả bà Hillary và ông McCain đã không thể giành được vị trí số 1 tại các cuộc họp kín ở Iowa.
Bà Hillary Clinton và ông John McCain (Ảnh AFP/AP)
Đối với Thượng nghị sĩ bang Arizona, thất bại tại bang diễn ra cuộc sát hạch đầu tiên trong tiến trình đề cử tổng thống Mỹ đã được tiên liệu. Ông McCain không đặt cao hy vọng ở Iowa và thậm chí đã rời bang này trước cả khi các cuộc họp kín bắt đầu. Trong khi đó, đối với Thượng nghị sĩ bang New York Hillary, xếp vị trí thứ 3 ở Iowa cũng đồng nghĩa với một thất bại nặng nề đặc biệt khi bà đang dẫn trước những đối thủ Dân chủ trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cả hai đã có cú bứt phá ngoạn mục tại New Hampshire, bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ tuyển lựa ứng cử viên tổng thống Mỹ.
Chiến thắng nhờ thay đổi phong cách
Bất chấp kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất và nhận định từ chính nhóm vận động tranh cử của cựu đệ nhất phu nhân rằng bà sẽ để tuột chiến thắng lần thứ hai về tay đối thủ Obama, Hillary đã giành được nhiều phiếu ủng hộ của cử tri Dân chủ nhất.
Nhiều người cho rằng Hillary chiến thắng nhờ thể hiện cảm xúc vào phút chót và những lời chỉ trích sắc nhọn nhắm vào Thượng nghị sĩ bang Illinois, người đang nuôi giấc mộng trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton. Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, bà Hillary chiếm ưu thế bởi vì:
-
Phụ nữ New Hampshire đứng về phía Hillary. Thăm dò ngoài trạm bỏ phiếu cho thấy bà giành được hơn 10% phiếu ủng hộ từ các nữ cử tri.
-
Sự ủng hộ của các cử tri trẻ đã không thể mang lại chiến thắng thứ hai cho Obama như ở Iowa. Ông giành được 51% tổng số phiếu của các ứng cử viên dưới 30 tuổi trong khi con số này ở Iowa là 57%.
-
Hillary bằng cách nào đó đã ngăn chặn được bước tiến của Obama. Cứ 10 cử tri định lựa chọn ứng cử viên ủng hộ vào 3 ngày vận động tranh cử cuối cùng thì 4 người cho biết sẽ ủng hộ hoặc bà Hillary hoặc ông Obama.
Các cuộc thăm dò dư luận không lý giải được những gì vừa xảy ra. Nhưng, chiến thắng của bà Hillary được cho là xuất phát từ một số điều kiện sẵn có. Thứ nhất, New Hampshire có truyền thống là "phanh hãm" đối với những ứng cử viên đang nổi lên. Bà Hillary đã tận dụng đặc điểm này khi tuyên bố ông Obama chưa sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo Nhà Trắng. Bà yêu cầu các cử tri New Hampshire hãy để nước Mỹ có cơ hội được nhìn nhận lại ứng cử viên này một lần nữa.
Thứ hai, vợ chồng bà Hillarry đã đưa ra những lời chỉ trích nhắm vào sự thiếu nhất quán của ông Obama về một số vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận, kể cả cuộc chiến ở Iraq. Ông Obama liên tục lặp lại tuyên bố rằng ông đã phản đối cuộc chiến không được lòng dân ngay từ đầu. Tuy nhiên, không giống như bà Hillary, ông Obama đã giấu nhẹm việc bản thân sau đó đã bỏ phiếu thông qua việc chi trả chiến phí tại Iraq.
Thứ ba, bà Hillary đã đi "nước cờ xuất sắc" khi thay đổi phong cách vận động tranh cử, thể hiện nhiều cảm xúc hơn như lời khuyên của các trợ lý. Trong một buổi tiếp xúc cử tri tại một nhà hàng, mắt rớm lệ và giọng nói run run, Hillary nói chiến dịch vận động lần này "rất mang tính cá nhân, chứ không phải chỉ mang tính chính trị" đối với bà. Cựu đệ nhất phu nhân khẳng định trước những người ủng hộ đêm 8/1: "Tôi đã lắng nghe các bạn và trong quá trình này tôi đã tìm được tiếng nói của chính mình".
Cuối cùng, tại cuộc tranh luận hôm thứ bảy (5/1), ông Obama đã cùng các ứng cử viên Dân chủ khác chĩa mũi nhọn về phía Hillary, khắc họa bà như một người thất thế. Họ đã giành được điểm tranh luận nhưng bà Hillary được cho là đã nhận được sự thương cảm của nhiều cử tri.
Bứt phá nhờ các cử tri độc lập
Khác với bà Hillary, ngay từ khi chưa diễn ra các cuộc họp kín ở Iowa, ông McCain đã có mặt tại New Hampshire từ chiều thứ năm (3/1) nhằm giành ưu thế trước các đối thủ.
Theo các cuộc thăm dò dư luận ngoài trạm bỏ phiếu, thắng lợi của Thượng nghị sĩ bang Arizona một phần nhờ các cử tri độc lập và những người đưa ra quyết định vào phút chót. 38% cử tri độc lập đã bỏ phiếu cho ông McCain trong khi ứng cử viên theo sát nút Mitt Romney chỉ nhận được 16%.
Các cử tri đặt mối quan tâm hàng đầu của họ vào cuộc chiến Iraq cũng bỏ phiếu cho ông McCain. "Ông ấy là người nhiệt liệt ủng hộ việc Tổng thống Bush tăng quân ở Iraq. Phần lớn những người Cộng hòa, kể các những cử tri Cộng hòa ở New Hampshire, ủng hộ chính sách Iraq của ông Bush", Bill Schneider, chuyên gia phân tích chính trị của hãng tin CNN cho biết.
Về phẩm cách cá nhân, vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các cử tri Cộng hòa, McCain cũng dẫn điểm trước Romney với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 47% và 30%. Theo chuyên gia Schneider, "Các cử tri Dân chủ tại New Hampshire biết McCain rất rõ. Đây là một chiến thắng mang tính cá nhân dành cho ông ấy". Ông McCain từng giành được vị trí số 1 trong cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire cách đây 8 năm.
Phát biểu sau khi được thông báo chiến thắng, ông McCain khẳng định trước đám đông ủng hộ: "Tôi đã qua cái tuổi để có thể gọi mình là ’cậu bé’... Nhưng đêm nay chúng ta đã cho họ thấy sự quay trở lại là như thế nào". Ông McCain muốn ám chỉ đến biệt danh "cậu bé trở lại" mà ông Bill Cinton tự gắn cho mình sau khi bất ngờ giành được vị trí thứ 2 trong cuộc bầu cử ở New Hampshire năm 1992.
Như vậy, nhờ New Hampshire, bà Hillary và ông McCain có thêm động lực để tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng. Kết quả bầu cử sơ bộ tại bang này cũng giữ cho các cuộc đua giành sự đề cử trong đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục sôi động và đầy bất ngờ ít nhất tới "Thứ Ba trọng đại" (Super Tuesday) 5/2, ngày hơn 20 tiểu bang còn lại tổ chức bỏ phiếu.
Sau New Hampshire, các ứng cử viên Dân chủ sẽ cạnh tranh ở Nevada và Nam Carolina. Thăm dò dư luận tới thời điểm này đang tạo lợi thế cho ông Obama ở cả hai bang. Trong khi đó, cuộc đua của các ứng cử viên Cộng hòa sẽ hướng tới bang Michigan, nơi ông McCain đang dẫn trước các đối thủ, và bang Nam Carolina, nơi cựu Thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee dự kiến sẽ giành chiến thắng thứ hai sau cuộc họp kín ở Iowa.
-
Thanh Bình (Tổng hợp)