Bôi nhọ đối thủ
"Tôi chưa bao giờ ân xá cho một kẻ sát nhân", ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney tuyên bố, ám chỉ tới việc đối thủ Huckabee từng phóng thích một tội phạm hiếp dâm, kẻ sau khi tự do tiếp tục gây tội giết người. Huckabee đáp lại trong một cuộc gặp gỡ vào buổi chiều tại Des Moines, thủ phủ bang Iowa: "Đây là một thủ thuật bôi nhọ thông thường... Nhưng, trở thành mục tiêu của chiến dịch vận động tranh cử tiêu cực còn hơn rốt cuộc chẳng gây sự chú ý nào".
Tất nhiên, ông Huckabee nhã nhặn cũng chứng minh bản thân là người lão luyện trong việc "ném bùn". "Liệu những tín đồ Mormon (ông Romney là thành viên giáo phái Mormon - PV) có tin rằng Chúa Jesus và quỷ dữ là những người anh em?", Huckabee hỏi một cách tu từ trên tạp chí New York Times. Chắc chắn sau đó, ông đã phải đưa ra lời xin lỗi.
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa (Ảnh Spiegel)
Công khai xin lỗi là một nhân tố khác trong chiến dịch vận động tranh cử hiện đại. Một ứng cử viên lên tiếng xin lỗi sẽ giành được thế thượng phong về đạo đức. Bằng cách xin lỗi, họ có thể tập trung sự chú ý vào bản thân mình, đồng thời tận dụng cơ hội để lặp lại những câu bôi nhọ đối thủ.
Một người quản lý chiến dịch của Hillary Clinton mới đây đã nhắc nhở các cử tri Dân chủ rằng Barack Obama đã hút cần sa và hít cocaine khi còn trẻ và rằng ông thậm chí đã ngây thơ thừa nhận từng làm cả hai việc đó. Viên quản lý nhấn mạnh đảng Cộng hòa cuối cùng sẽ sử dụng sự khờ khạo của Obama để chống lại ông vào năm 2008. Hillary nhanh chóng xin lỗi vì nhân viên dưới quyền đã bàn về Obama và cocaine mà không được phép của bà. Và tất nhiên, lời xin lỗi của Hillary lặp lại câu nói của cấp dưới về Obama và cocaine. Như vậy, một lần nữa, phát biểu này lại xuất hiện trên những hàng tít của các bài báo.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chủ đề về cocaine không phải là cái gì đó mà chiến dịch vận động của chúng tôi sẽ đề cập tới theo cách nào đó, dạng này hay dạng khác", quản lý chiến dịch của bà Hillary, Mark Penn, mới đây cho biết.
"Ông ấy đã nói cocaine!", Joe Trippi tố cáo tại một cuộc gặp gỡ buổi tối ở Iowa. Trippi là người quản lý chiến dịch cho John Edward, một đối thủ khác của Obama.
Cạnh tranh trong nội bộ đảng Dân chủ
Chiến dịch vận động của Hillary Clinton từng diễn tiến tốt đẹp trong một thời gian dài khi bà dường như vẫn vững chắc ở vị trí dẫn đầu nhóm ứng cử viên của đảng Dân chủ. Thực tế, các ứng cử viên tìm thấy sự thoải mái trong giai đoạn vận động tranh cử ở Mỹ chỉ có thể là những người rõ ràng đang dẫn đầu hoặc chắc chắn sẽ tụt lại phía sau. Tuy nhiên, những ngày tươi đẹp của Hillary đã qua.
Phe Dân chủ dường như đang thay đổi các chiêu bài. Sau nhiều tháng Hillary Clinton được đánh bóng như một nữ tổng thống đầu tiên của đất nước trong tương lai, đối thủ Obama đã bắt kịp bà ở nhiều bang, và thậm chí dẫn trước tại Iowa và vẫn duy trì vị trí thứ hai trên toàn quốc. Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên đang phải đối mặt với những thử thách cam go ở các khu vực bầu cử Mỹ.
Liệu các cử tri nam giới tại trung Mỹ, ở những nơi giống như Wisconsin, Texas và Iowa có chấp nhận để một phụ nữ theo đường lối tự do từ New York nắm quyền quản lý đất nước? Liệu các cử tri ở miền nam sẽ bỏ phiếu bầu một tổng thống da đen? Theo phần lớn các cuộc thăm dò dư luận, đáp án cho cả hai câu hỏi trên là có nhưng không ai biết nước Mỹ chân thật tới mức độ nào.
Sự khác biệt trong cương lĩnh tranh cử của bà Hillary và ông Obama rất nhỏ. Hillary cấp tiến hơn khi đề cập tới cải cách y tế nhưng Obama cấp tiến hơn về vấn đề Iraq. Ông đáng tin hơn trong vấn đề Iraq, bởi ban đầu cựu đệ nhất phu nhân đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến không được lòng dân này. Tuy nhiên, ngoài những khác biệt như vậy, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ đang mang tới cho cử tri những quan niệm tương đồng. Và cả hai đều là những diễn giả "có nghề", lão luyện trong việc thể hiện ý tưởng của họ một cách hùng hồn và bằng những cách diễn đạt tương tự.
Thượng nghị sĩ Barack Obama (Ảnh Reuters)
Vì sự giống nhau trên, trong những tuần gần đây, các thành viên đảng Dân chủ đã tập trung nhiều sự chú ý hơn cho phẩm cách của hai ứng cử viên. Obama nhấn mạnh vào các cải cách và chính sách mới. Ông hiếm khi công kích và luôn giữ bình tĩnh. Ông đã có các thông điệp của riêng mình và kiên trì theo đuổi chúng.
Theo nhận định của giới quan sát, các đảng viên Dân chủ đang phân vân: So với Hillary đầy tham vọng, liệu Obama có "quá hiền" để nắm giữ ghế tổng thống? Liệu 46 tuổi có quá trẻ để trở thành ông chủ Nhà Trắng và 35 tháng tại Thượng viện là quá ít kinh nghiệm? Liệu nước Mỹ cần sự trẻ trung của Obama hay kinh nghiệm của Hillary? Và ai trong 2 ứng cử viên này có thể thống nhất và lãnh đạo đất nước?
Obama hay Hillary?
Đối với Oprah Winfrey, câu trả lời rõ ràng là "Obama". Bà là một người quyền lực ở Mỹ. Những cuốn sách mà Oprah đề cử trong chương trình trò chuyện truyền hình được ưa thích ở Mỹ, ngay lập tức leo lên các vị trí hàng đầu trong những bảng xếp hạng sách ăn khách chỉ trong vài giờ đồng hồ. Và khi bà xuất hiện bên cạnh Obama trên bục diễn thuyết ở Iowa đầu tuần trước, 30.000 người đã tới để lắng nghe ông nói.
Đột nhiên, Obama trở thành một ngôi sao nhạc rock. Và khi Oprah Winfrey nói rằng bà đã suy nghĩ rất nhiều về ứng cử viên nào mà mình có thể tin cậy, ai trong số họ sẽ phải được xem xét cẩn trọng trong cuộc bầu cử này, tiếng hoan hô vang dội tới mức làm chìm nghỉm câu trả lời của bà: Barack Obama.
Hoạt động tranh cử của nhóm Hillary giữ mức độ khiêm tốn trong hai ngày trên. Tuy nhiên, với rất nhiều tiền, quyền lực và tham vọng, bà đã nhanh chóng lấy lại được uy thế. Trong nhiều tháng, Hillary đã khắc họa bản thân như một nữ chính khách, là người đứng trên những tranh cãi, "người trưởng thành duy nhất trong cuộc đua với hàng chục cậu bé đang tuổi dậy thì".
Tuy nhiên, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào cuối tháng 10, Hillary bất ngờ tỏ ra lúng túng. Bà đưa ra một phản hồi lằng nhằng, khó hiểu trước câu hỏi liên quan tới đề xuất của Thống đốc New York Eliot Spitzer về việc cấp phát bằng lái xe cho những người nhập cư trái phép.
Và khi được yêu cầu kể tên đội bóng chày yêu thích của mình, Hillary đáp đó là New York Yankees. Sau đó, bà ngưng một chút và nói: "Và Chicago Cubs". Điều đó cứ như là Kurt Beck, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội của Đức tuyên bố ông ủng hộ hai đội bóng đá đối địch ở nước này Bayern München và FC St. Pauli. Đây là câu trả lời mang tính cơ hội chủ nghĩa nhất trong số những câu hỏi đáp có thể đưa ra, một sai lầm mà một ứng cử viên trong chiến dịch vận động tranh cử này phải tránh bằng mọi giá.
Có lẽ, bà Clinton đơn giản đã giảm sự đề phòng hoặc đã đánh giá thấp các đối thủ. Các cuộc tranh luận truyền hình kể từ đó diễn ra theo cùng một kiểu với những người đàn ông trên sân khấu luôn tìm cách dùng mánh lới thắng người phụ nữ duy nhất ở đó.
Nỗ lực của Hillary
Bất cứ ai trải qua vài ngày cùng Thượng nghị sĩ Hillary sẽ chứng kiến việc ứng cử viên này dành thời gian để bắt tay, quan sát các cử tri tiềm năng và tập trung trò chuyện với những người tìm tới chỗ bà sau buổi tiếp xúc. Cựu đệ nhất phu nhân cũng thể hiện mặt mềm dẻo hơn, khả năng lắng nghe và trở thành một người phụ nữ nhiệt tâm.
Thượng nghị sĩ Hillary Clinton tại một cuộc tiếp xúc cử tri ở Iowa hôm 1/1 (Ảnh AP)
Tuy nhiên, khi diễn thuyết, Hillary đã thể hiện sự bền bỉ, cứng cỏi. Bà nói về cách cha mình đã thiết lập nên 3 mục tiêu trong cuộc sống như thế nào (một doanh nghiệp nhỏ, một gia đình và một ngôi nhà) cũng như về cách mẹ của bà mang tới thêm mục tiêu thứ tư (các con của họ sẽ học đại học). Hillary khẳng định gia đình bà đã đạt được cả 4 mục tiêu.
Sau đó, Hillary công bố 4 mục tiêu của riêng mình. Bà nói với các khán giả rằng bà muốn tái lập "vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới", bởi vì "thời của ngoại giao kiểu cao bồi đã qua". Đó là câu bà lặp lại hết lần này đến lần khác, hết ngày này đến ngày khác. Đối với mục tiêu thứ hai, bà muốn tầng lớp trung lưu Mỹ phát triển thịnh vượng một lần nữa. Mục tiêu thứ ba, bà muốn chính phủ bổ nhiệm những người có đầy đủ khả năng vào đúng vị trí. Cuối cùng, mục tiêu thứ tư của bà là "bảo đảm tương lai của con cái chúng ta".
"Iowa, toàn đất nước và thế giới sẽ dõi theo các bạn", Hillary tuyên bố trước các khán giả của bà cuối bài phát biểu. Bà gọi chiến dịch vận động của mình ở Iowa là "cuộc tấn công ồ ạt, chớp nhoáng". Tháp tùng Hillary có mẹ của bà, các diễn viên và những người mà như bà nói: "Tôi đã thay đổi cuộc đời họ".
Cú hích cuối cùng trong giai đoạn vận động tranh cử này là ý tưởng của chồng Hillary, cựu Tổng thống Bill Clinton. Ông nói từ có ý nghĩa thần diệu trong chiến dịch vận động tranh cử sau "Bush" là "cải cách". Hillary đã tiếp thu lời khuyên của chồng. Bà quả quyết người Mỹ sẽ phải lựa chọn một trong số những người nói về cải cách (ám chỉ tới John Edwards), những người nhiệt thành hy vọng cải cách (tất nhiên là Obama) và Hillary Clinton, một người phụ nữ đã học được cách trở nên cứng cỏi sau nhiều "trận chiến", người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để thay đổi cuộc sống của những người khác theo hướng tốt đẹp hơn.
Quyết định ban đầu về các đại diện tranh cử của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ được đưa ra tại Iowa vào ngày 3/1. Cuộc đua sẽ tiếp tục sau đó. Đối với các ứng cử viên, cuộc sát hạch ở Iowa có thể là bước khởi đầu vô cùng quan trọng để giành được sự đề cử trong đảng cho các vòng bỏ phiếu bầu lãnh đạo đất nước vào tháng 11.
-
Thanh Bình (Theo Spiegel)